Chuyện về nữ bác sĩ có "thần kinh thép"
Nữ bác sĩ luôn hết lòng vì người bệnh
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, bác sĩ CKI Lê Thị Thanh, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng được nhiều bệnh nhân và người nhà nhớ tên. Bởi lẽ, gắn bó với bệnh viện từ ngày đầu mới thành lập, hiểu và hết lòng chăm lo bệnh nhân, chị được gia đình bệnh nhân yêu quý và mến phục.
Bác sĩ Thanh giúp bệnh nhân tâm thần tập luyện phục hồi chức năng |
Nhớ lại những ngày đầu khi mới bắt đầu công việc tại viện, bác sĩ Lê Thị Thanh không ngại vất vả cùng lãnh đạo bệnh viện đến từng nhà bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng của 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để khám, cập nhật chi tiết hồ sơ bệnh án, tình hình bệnh của bệnh nhân và điều chỉnh y lệnh thuốc, phương pháp điều trị.
Dẫu quá trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần rất vất vả, nhưng với trách nhiệm và lòng yêu nghề, bác sĩ Lê Thị Thanh luôn lắng nghe, thấu hiểu, gần gũi, động viên người bệnh kiên trì điều trị. Chị cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các ca trực, kịp thời phát hiện bệnh nhân mất ngủ dài ngày, bị co giật trong đêm và có phương án xử trí hiệu quả.
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Lê Thị Thanh còn là một trưởng khoa gương mẫu, trách nhiệm, có nhiều sáng kiến trong công tác.
Bác sĩ có “thần kinh thép”
Nói về ký ức buồn trong nghề, bác sĩ Lê Thị Thanh vẫn không thể quên được trường hợp của bệnh nhân tên H. Bệnh nhân được người thân đưa đến bệnh viện khám với tinh thần bất ổn, liên tục cáu gắt và vô cùng hung hãn.
"Thời điểm đó, mới chân ướt chân ráo vào nghề, mặt đối mặt với bệnh nhân kích động tôi cũng rất sợ. Bệnh nhân Hòa hoang tưởng mạnh, thường tưởng mình bị tấn công, trước thời điểm được người nhà đưa đến thăm khám, ở nhà bệnh nhân cũng thường dùng hung khí tấn công người xung quanh. Khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, người nhà cũng không dám vào hỗ trợ cùng bác sĩ, để lại tôi mặt đối mặt với bệnh nhân. Bệnh nhân kích động, tôi bị bệnh nhân bất ngờ tát một cú như trời giáng", bác sĩ Thanh nhớ lại.
Bác sĩ Lê Thị Thanh khám chữa bệnh cho bệnh nhân |
Chị chia sẻ: "Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, chứng kiến họ bị những triệu chứng rối loạn tâm thần như: Kích động, đạp phá và gây hấn mọi người xung quang. Đặc biệt, bệnh nhân mới vào viện thường trong tình trạng kích động, nhiều lúc gây chấn thương cho bác sĩ không mong muốn. Nhưng với tình yêu thương, bằng chuyên môn, mình đã điều trị cho người bệnh đã khỏi bệnh về với gia đình và cộng đồng".
Đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, chị Thanh cũng như các cá nhân, tập thể tiêu biểu khác, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đều kịp thời động viên, đồng thời đề xuất tỉnh và các cấp, các ngành thưởng, khích lệ, từ đó lan tỏa việc làm tốt, sáng kiến hay, góp phần tạo động lực để các "chiến sỹ áo trắng'' làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.