Chuyên gia nói gì về việc dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS?
Bộ GD&ĐT cảnh báo vi phạm quy định tuyển sinh lớp 10 Nhiều học sinh chắc suất vào cấp 3 tư thục nhờ chứng chỉ IELTS Khi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc |
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cho biết một số địa phương đang phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 công lập không đúng quy định.
Cụ thể, một số địa phương có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (ví dụ: giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ...).
Tuyên bố này được Bộ GD&ĐT đưa ra trong bối cảnh nhiều nơi cộng điểm, miễn thi hoặc tuyển thẳng thí sinh có điểm thi IELTS trên 4.0 nhiều năm qua.
Vì thế, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 đúng theo quy định đã ban hành.
Trong đó, chỉ có 4 nhóm được tuyển thẳng bao gồm: tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; thuộc 16 dân tộc ít người; là người khuyết tật; đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.
Không nên lạm dụng IELTS để tránh bỏ lỡ thí sinh tài năng
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về đề nghị trên của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm này.
Thứ nhất, với sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, ngoại ngữ sau này sẽ không còn là rào cản. Bất kể một cá nhân nào cũng đều có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và nhận được sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ dịch trực tiếp theo thời gian thực. Vì vậy, không nên sử dụng điểm IELTS như một tiêu chí để tuyển thẳng.
Thứ hai, theo chia sẻ của ông Nam, chứng chỉ IELTS cũng không phản ánh đầy đủ năng lực học tập của học sinh mà chỉ là một góc nhỏ. Bởi lẽ đó, IELTS nên chỉ dừng lại ở một tiêu chí cộng điểm khi tuyển thẳng vào cấp 3. Nếu lạm dụng việc này có thể khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều học sinh tài năng.
Thực tế ở Việt Nam, nếu sử dụng IELTS để tuyển thẳng có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử với những học sinh không có điều kiện tài chính để học luyện và thi IELTS. Bởi lẽ, chi phí để luyện tập và thi IELTS là một chi phí không hề nhỏ.
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục hoàn toàn ủng hộ quan điểm về đề nghị của Bộ GD&ĐT. |
“Nó cũng có thể dẫn đến việc các em học sinh va gia đình chạy theo chứng chỉ IELTS để được tuyển thẳng mà bỏ bê các môn học khác làm suy giảm năng lực chung của cá nhân. Trong khi đó, tri thức, sự sáng tạo đổi mới mới thực sự giúp cá nhân phát triển bền vững và thành công”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Lưu ý thêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Hà Nội nói, trong những năm qua, việc quản lý chất lượng chứng chỉ IELTS gặp phải không ít vấn đề, làm thế nào để không tạo ra một thị trường mua bán chứng chỉ gây áp lực cho học sinh và tạo ra gánh nặng tài chính cho các gia đình, thậm chí xu hướng sính ngoại, tôn sùng quá mức năng lực tiếng Anh mà không quan tâm đầu tư vào các nội dung học thuật thực chất…
“Vấn đề là chúng ta sẽ hướng đến đánh giá thực năng lực của người học. Thế giới trong tương lai có nhiều ngành nghề mới chưa thể hình dung ra. Tiếng Anh hay bất cứ một ngoại ngữ nào đó đều có thể trở thành ngôn ngữ làm việc. Vì vậy, việc học ngoại ngữ nên trở thành một lựa chọn của những người trẻ khi họ cảm thấy nó thực sự phục vụ cho công việc và giúp nâng cao giá trị của bản thân họ”, vị giảng viên bày tỏ.
Đã đến lúc cần trả lại vai trò cốt yếu của chứng chỉ Ngoại ngữ
Tranh luận về việc tuyển thẳng khối lớp 10 cho thí sinh có chứng chỉ IELTS, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikka đã có buổi trò chuyện cùng PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề “hot” này, ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần phân tích vấn đề theo 2 hướng, thứ nhất là hiện thực xã hội và thứ hai đó là chính sách vĩ mô và tầm nhìn dài hạn”.
Lý giải về luận điểm trên, ông nói, thực tế thấy rõ trong nhiều năm qua, chất lượng đào tạo Ngoại ngữ ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Các bậc phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vốn quen với việc “học để thi” chứ không phải “học để sử dụng giao tiếp”, đây được coi là vấn nạn có tính lịch sử của việc đạo tạo tiếng Anh trong 3 thập kỷ qua ở nhiều nơi.
Do vậy, ngoài đề án quốc gia, trên thực tế, Sở GD&ĐT và UBND cấp tỉnh đều đã xây dựng cho mình đề án Ngoại ngữ theo hướng tăng cường, xã hội hoá nguồn lực đào tạo để tạo phong trào dạy và học ngoại ngữ tại địa bàn. Việc này giúp một số địa phương đạt được những tiến bộ về năng lực ngoại ngữ của học sinh, phản ánh qua việc từ phổ điểm thi bộ môn tiếng Anh qua các kỳ thi được Bộ GD&ĐT tổ chức đã thấy tiến bộ về mức điểm trung bình.
Về cơ bản, hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại các trường công lập chưa có nhiều thay đổi lớn, ngay cả khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong khi đó, có tác động khá lớn đến từ việc các đề án tăng cường đã góp phần thúc đẩy việc đưa các chương trình đào tạo ngoài chương trình phổ thông vào các nhà trường. Chủ thể nguồn lực đào tạo là nguồn lực từ các trung tâm tiếng Anh được phê duyệt tham gia đề án. Cơ bản, chủ trương của địa phương là tạo cơ chế để khối trường công lập liên kết với các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh hơn việc giảng dạy ngoại ngữ Anh.
Ngoài những điểm tích cực mang lại như: tăng cường thời lượng, chất lượng, tiếp cận với các nguồn lực đào tạo đa dạng thì vô hình chung, xu hướng này góp phần tạo ra sự bùng nổ của việc "đâm đầu" vào luyện và thi chứng chỉ, nổi bật nhất là sự lên ngôi của chứng chỉ IELTS.
Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm cũng cho rằng, chúng ta cần trả lại vai trò cốt yếu cho IELTS: Là thang đo năng lực Anh ngữ được quốc tế công nhận, nhằm định hình các quyết định về du học, nhập cư, làm việc |
Ngoài chương trình ngoại ngữ quốc gia, học sinh ở các tỉnh thành đã có được cơ hội tiếp cận với luyện thi và tham gia các kỳ thi IELTS một cách dễ dàng.
Sự tăng trưởng của thị trường đào tạo IELTS và giá trị công nhận quốc tế của chứng chỉ này đã làm nên "cơn sốt", từ đó dần đưa chứng chỉ này trở thành một điểm mốc giáo dục của nhiều người, ví dụ: các chính sách xét tuyển thẳng cho thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Chuyên gia giáo dục bày tỏ, chương trình ngoại ngữ chính khoá quốc gia không luyện thi cho IELTS, nhưng lại dùng IELTS làm tiêu chí đánh giá ưu tiên trong chính sách thì khó mà tránh được các tranh cãi xã hội như hiện nay.
"Đồng thời, nhiều nhận định cũng chỉ ra rằng, học sinh đạt điểm IELTS cao thường là học sinh học tốt các môn khác, đáp ứng yêu cầu của nhà trường đưa ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có bằng chứng khoa học nào gắn năng lực ngoại ngữ tương đồng với sự vượt trội ở các năng lực học tập khác. Xét trên khía cạnh xã hội, có chăng quan hệ này là một tương quan chứ không phải nhân quả", ông Tâm cho hay.
Cùng quan điểm với PGS.TS Trần Thành Nam về việc chi phí luyện tập và thi IELTS cũng không hề nhỏ, song, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm chia sẻ thêm, các nhóm đối tượng học sinh đáp ứng được tài chính để học và thi IELTS có lẽ cũng là nhóm có lợi thế về đầu tư giáo dục cao hơn các nhóm học sinh khác.
Vì vậy, họ trở thành nhóm đối tượng học sinh có những thành tích khác tốt hơn. Điều này khiến các địa phương tự tin tuyển thẳng những học sinh có thành tích IELTS mà vẫn đảm bảo chất lượng của nhóm học sinh được thụ hưởng quyền lợi từ chính sách. Cách làm này giảm chỉ phí quản lý nhà nước, nhưng phần nào đặt gánh nặng đó cho các hộ gia đình.
Sự hình thành nên trào lưu này do hiện thực và nhu cầu xã hội, nhưng cũng có vai trò của các chính sách giáo dục vĩ mô. Trên các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Nhà Nước, thì ngôn ngữ Anh vẫn là ngoại ngữ, không có định hình rằng Việt Nam sẽ là quốc gia coi Anh ngữ là ngôn ngữ thứ hai như Singapore đã làm.
Do vậy, câu hỏi đặt ra rằng, ngoài việc chuyển đổi điểm ngoại ngữ theo chứng chỉ quốc tế, thì việc lấy chứng chỉ Anh ngữ làm thước đo cho một chính sách ưu tiên phổ rộng có phù hợp với đường lối và chính sách đã được hoạch định? Đặc biệt khi các văn kiện chính sách của Việt Nam hướng tới phổ cập và hệ thống giáo dục phát triển toàn diện, không phải giáo dục chuyên ngữ?
Điều này đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách vấn đề về chỉ đạo tập trung để đảm bảo tính thống nhất song song với cân bằng lợi ích xã hội dựa theo điều kiện rất khác nhau của các tỉnh, thành phố.
Về tầm nhìn dài hạn, các chính sách luôn cần đảm bảo tính phát triển bền vững, trong đó việc thu hẹp khoảng cách bình đằng là một trụ cột. Giáo dục trong tương lai cần là một nền giáo dục chủ động, linh hoạt, không phụ thuộc.
Trường hợp nếu cần sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để giảm áp lực chuyển cấp, thì tại sao chúng ta không bắt đầu phải nghĩ đến các giải pháp có tính dài hơi như: Tăng số lượng, chất lượng hệ thống trường công lập; điều chỉnh quy hoạch nhân lực để chất lượng đào tạo ngày càng đồng đều; điều chỉnh quy chế tuyển sinh theo hướng giảm tải áp lực cho xã hội, nghiên cứu khả thi các cơ chế phân quyền phù hợp cho địa phương…
Không thể phủ nhận chất lượng, giá trị của chứng chỉ IELTS trong cuộc sống hiện nay, nhưng đã đến lúc cần trả lại vai trò cốt yếu cho nó: IELTS là thang đo năng lực Anh ngữ được quốc tế công nhận, nhằm đình hình các quyết định về du học, nhập cư, làm việc. Chúng có giá trị quy đổi với các thang đo năng lực Anh ngữ khác để đa dạng hoá lựa chọn cho học sinh và không có giá trị nào khác với học thuật nói chung. Với các địa phương có định hướng rõ ràng về việc cần thiết phải đẩy mạnh đầu vào năng lực ngôn ngữ, cần có sự đồng thuận cao giữa các chủ thể thụ hưởng của người dân trên địa bàn.
"Đối với các chính sách vĩ mô và cần tầm nhìn dài hạn, Bộ GD&ĐT trên tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao nhất, có thể đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn, song hành, triển khai sớm cùng các địa phương để ban hành các quy định sao cho có sự đồng nhất, phù hợp với quy chế, pháp luật hiện hành, đồng thời, có sự định hướng rõ ràng với từng địa phương để đáp ứng nhu cầu hiện thực xã hội, tránh việc gây ra những điều chỉnh gấp rút, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị của học sinh, phụ huynh trong quá trình học tập, ôn luyện", chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm kết lời.