Chúng tôi không cô đơn giữa trận chiến này!

TTTĐ - Nhóm tình nguyện gồm 10 bạn đến từ nhiều vùng quê khác nhau, họ được phân công hỗ trợ phòng, chống dịch tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hàng ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả, dịch bệnh nhưng chưa lúc nào họ cảm thấy cô đơn giữa cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Chống dịch, chống cả những "con virus bàn phím" Check-in Hà Nội sau những ngày giãn cách: 3 địa điểm hot nhất

Chiến hữu trên trận tuyến

Đã được nửa tháng, nhóm bạn tình nguyện viên trẻ gặp mặt nhau trên chuyến xe vào huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Có người vừa đôi mươi, cũng có người đã lập gia đình. Có người lặn lội từ Thanh Hóa ra Hà Nội, người để lại vợ con lên đường với chung một tâm nguyện đã ấp ủ “góp sức mình cùng quê hương chống dịch”.

Chúng tôi không cô đơn giữa trận chiến này!
Nhóm bạn trẻ tại xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai

Tại mảnh đất lạ, nhóm tình nguyện với 10 bạn trẻ được phân công lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 10.000 trường hợp trên địa bàn 10 ấp thuộc xã Phú Đông. Ngày qua ngày, công việc xét nghiệm vẫn lặp đi lặp lại theo một vòng tuần hoàn đã lập trình trước. Nay ở khu này, mai về khu khác với phương châm “tát nước bắt cá”, chính vì khối lượng công việc lớn, làm việc cùng nhau cả ngày, dù trước đó chưa hề biết nhau nhưng không biết từ bao giờ họ kết thành một “gia đình” giữa chiến tuyến chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, trưởng nhóm tình nguyện viên tại đây cho biết: “Mỗi người một công việc, một quê quán, vì mục tiêu chung mà mọi người gặp nhau, ăn ở với nhau và đến giờ thì chúng mình coi nhau như một gia đình. Đó không chỉ là một gia đình để trở về sau mỗi ngày đằng đẵng truy vết F0, lấy mẫu trong các khu cách ly mà trong đó chúng mình có thể cười với nhau để quên đi những nỗi niềm không biết nói cùng ai”. Chị Hương chia sẻ

Chúng tôi không cô đơn giữa trận chiến này!
Nhóm bạn trẻ luôn đồng hành cùng nhau trong công việc

Sát cánh cùng người dân

Vốn là người miền Bắc, những ngày bắt đầu làm nhiệm vụ 10 thành viên trong nhóm tình nguyện vẫn chưa quen với cái nắng phương Nam. Mệt, đuối, bỏ cơm là những dấu hiệu dễ nhận thấy trên mỗi khuôn mặt của các tình nguyện viên nhưng điều đó không ngăn được bước chân hàng ngày đến từng khu vực “đánh bắt Covid-19”.

Chúng tôi không cô đơn giữa trận chiến này!
Tinh thần lạc quan luôn được giữ vững để cùng Nhân dân chống dịch

Hà Nội 1, Hà Nội 2, Hà Nội 3… là các tổ được nhóm đặt tên để chia về từng khu vực phụ trách. Người dân ở đây cũng nhớ những cái tên này lâu lắm rồi. Lý do đơn giản các bạn trẻ đặt tên như vậy vì: “Chúng mình từ Hà Nội vào đây nên lấy tên này cho người dân dễ nhớ! Đó cũng là tinh thần Bắc Nam một nhà, ở đâu cũng là quê hương”.

Mỗi lần thấy các bạn trẻ đi qua, người dân nơi đây cũng thân thương vẫy vào: “Cháu gì Hà Nội ơi, vào bà cho quả dừa uống cho đỡ mệt. Bà có thằng cháu trai, bao giờ hết dịch bà cho mang về Hà Nội!”.

Những cốc nước đá, quả xoài xinh xinh, tình cảm của bạn trẻ dành cho người dân nơi đây cũng như với người thân trong gia đình. Đến giờ cơm tối, vẫn một câu nói quen thuộc, chị Lê Thị Duyên (29 tuổi) quê ở Thanh Hóa cất tiếng chào chú mang cơm đến cho cả nhóm: “Ba mang cơm cho con đấy à!”.

Chúng tôi không cô đơn giữa trận chiến này!
Nhóm bạn trẻ luôn có niềm tin quyết thắng đại dịch

Hậu phương là động lực

1 năm, 4 tháng, 22 ngày là con số mà chị Lê Thị Duyên đếm được kể từ ngày bắt đầu đi chống dịch. Dù tháng 9 này chị dự định sẽ tổ chức lễ kết hôn nhưng cũng quyết định tạm dừng để xông pha lên tuyến đầu. “Ước mơ lớn nhất lúc này là nhanh chóng hết dịch về ăn cơm cùng bố mẹ, anh chị, các cháu. Hơn hết là hết dịch để còn về lấy chồng!”, chị Duyên cười rạng rỡ và đầy hy vọng.

Chúng tôi không cô đơn giữa trận chiến này!
Anh Ngô Hoàng Quý Minh luôn nhớ về gia đình mỗi khi mệt mỏi

Anh Ngô Hoàng Quý Minh (25 tuổi) nhớ lại: “Trước hôm lên đường 2 ngày mình mới cho gia đình biết, hôm sau phải trốn sang nhà bạn sợ mẹ cùng vợ, con không cho đi. Đến nơi rồi mình mới nhận được thông tin vợ đã có bầu. Cảm xúc lúc ấy vừa thấy vui, vừa áy náy... Có gì nói, mình nói hết rồi, mình tin vợ mình cũng hiểu”.

Như bao người mẹ khác, chị Trần Thị Thu Hiên (30 tuổi) lên tuyến đầu cũng nhớ nhung mấy đứa con của mình da diết. “Một đứa 2 tuổi, đứa 3 tuổi, đứa lớn nhất năm nay lên 7 tuổi. Mỗi lần gọi điện cho mẹ, giọng của con ở nhà cứ gọi dài, hết đứa này đến đứa kia gọi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ về với con đi…”. Tiếng nói dù chưa sõi của một đứa trẻ lên 3 đã làm chị Hiên xúc động vô cùng. Chị Hiên chỉ mong sao hết dịch để “mua nhiều bim bim về cho các con nhé”...

Dù chỉ là những cuộc gọi, tin nhắn động viên từ tiền tuyến về hậu phương hay hậu phương ra trận tuyến nhưng đó chính là sức mạnh, nguồn động lực mạnh mẽ nhất để họ tiếp tục chiến đấu kiên cường và vững vàng. Đó cũng là động lực để họ làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng, hoàn thành sứ mệnh cao cả, chờ ngày toàn quốc hết dịch, 3 miền Bắc, Trung Nam ca khúc khải hoàn.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động