Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa Việt ở trời Tây

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), việc giữ gìn văn hóa Việt chính là tạo ra bản sắc riêng, từ đó nhân lên niềm tự hào về dân tộc mình.
Công nhận Lễ hội Gầu Tào là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Cháo lươn Nghệ An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thông tin sai sự thật 119 tác phẩm lọt Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”

Quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài

Trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 đã diễn ra phiên chuyên đề “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”, tại đây, các kiều bào đã có dịp chia sẻ những tâm huyết của mình trong việc giữ gìn và bảo tồn giá trị Việt, qua đó thể hiện tình yêu, niềm tự hào về văn hoá Việt Nam.

Bày tỏ sự xúc động khi được trở về quê hương và trình bày tham luận tại phiên chuyên đề, bà Cécile Le Pham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tại Pháp (ACSOC) cho biết, đến hiện tại, bà đã có gần 30 năm sưu tầm cổ vật quý hiếm, song, với mong muốn sẽ có nhiều người biết đến giá trị văn hoá của những món cổ vật mình sưu tầm, bà đã nảy ra ý tưởng mở Bảo tàng tư nhân với sự đóng góp và ủng hộ của đông đảo bạn bè.

Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa Việt ở trời Tây
Bà Cécile Le Pham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tại Pháp (ACSOC) phát biểu tại Hội nghị

Bà Cécile Le Pham kể, từ những ngày đầu mở cửa cho đến nay, Bảo tàng tại Pháp của bà đã vui mừng đón tiếp hàng ngàn lượt khách tới tham quan, cũng từ đây, bà nhận thấy trẻ em ở nước ngoài thường xuyên được bố mẹ đưa đi trải nghiệm, học lịch sử trực tiếp tại Bảo tàng, nhờ vậy, lũ trẻ không chỉ hiểu và biết trân trọng giá trị của quá khứ, mà còn giúp chúng hình thành trong tâm trí những câu chuyện lịch sử sống động.

Tuy nhiên, bà Cécile Le Pham nhận ra thực tế, trẻ em Việt Nam ít có thói quen đến học tập tại bảo tàng. Từ thực tế và trăn trở của bản thân, bà Cécile Le Pham mong muốn khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu về lịch sử của thế hệ trẻ Việt Nam qua những kỷ vật mà bà và cộng sự cùng sưu tầm, lưu giữ.

Với ý nghĩa to lớn đó, bà Cécile Le Pham hy vọng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ kiều bào Việt nhiều hơn về việc thuê địa điểm, sự quan tâm của các nhà chuyên gia khảo cổ, từ đó đánh giá, làm nội dung chi tiết về những cổ vật vốn có.

“Bên cạnh đó, tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ tạo điều kiện và đưa con em mình đến các bảo tàng nhiều hơn để các cháu thêm yêu, biết trân trọng quá khứ và bảo vệ tương lai”, bà Cécile Le Pham nhấn mạnh.

Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa Việt ở trời Tây
Kiều bào tham dự phiên phiên chuyên đề “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”

Từ bỏ cuộc sống ổn định ở Thụy Sĩ, bà Huyền Tôn Nữ Camille (kiều bào tại Thuỵ Sĩ) khiến nhiều người ngạc nhiên khi mở Nhà hát Bến Xuân ở Huế.

Bà Huyền Tôn Nữ Camille kể: "Sinh ra ở Huế, tôi có mong muốn làm sống lại nét đẹp văn hóa cố kính đậm chất Huế xưa. Vì vậy, Nhà hát Bến Xuân đã ra đời nhằm quảng bá nét đẹp kiến trúc của Huế".

Chia sẻ thêm, nữ kiều bào cho biết, bà mong muốn được cùng ban nhạc dân tộc đi lưu diễn ở nước ngoài, trở thành cây cầu kết nối giữa cộng đồng Việt Nam và nước ngoài, để khách quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Giải pháp giữ gìn, bảo tồn văn hoá Việt Nam ở nước ngoài

Chị Vũ Thị Bích Diệp - Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italy cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thông dân tộc trở nên vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp cộng đồng người Việt bảo vệ giá trị truyền thống mà còn góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng văn hóa của các quốc gia sở tại.

Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa Việt ở trời Tây
Chị Vũ Thị Bích Diệp - Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italy

“Chúng ta cần xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, nơi mỗi người Việt đều tự hào về nguồn gốc của mình và sẵn sàng truyền đạt các giá trị văn hóa đó cho các thế hệ tiếp theo”, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italy nhấn mạnh.

Theo chị Vũ Thị Bích Diệp, để bảo tồn và phát huy văn hoá Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cộng đồng cần thực hiện một số giải pháp thiết thực như tổ chức các sự kiện văn hóa và các hoạt động gắn kết cộng đồng, từ đó tạo ra một môi trường tích cực cho thế hệ trẻ...

“Bằng cách thực hiện những giải pháp hiệu quả và phát huy vai trò của các hội đoàn cộng đồng, chúng ta không chỉ bảo tồn được bản sắc văn hóa mà còn đảm bảo tiếng Việt và các giá trị văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục được truyền dạy và phát triển qua các thế hệ", bà nói.

Bà Hoàng Thị Hồng Hà, Việt kiều Pháp thổ lộ, để làm được các chương trình bảo tồn văn hóa thì việc mở rộng mạng lưới với các trung tâm nghệ thuật trong nước là điều cần thiết, có vậy, mới có được các chương trình thấm đẫm tinh hoa văn hóa Việt Nam.

“Có thể kể đến những chương trình mang tính giải trí phục vụ thị hiếu nhưng bên cạnh đó cần có các chương trình giữ gìn nguyên gốc các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiếu số, các loại hình nghệ thuật dân gian”, bà Hồng Hà gợi ý.

Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa Việt ở trời Tây
Toàn cảnh phiên chuyên đề 4

Ngoài ra, theo bà Hồng Hà, việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống nên làm theo tính chất tổng hợp, ví dụ có thể kết hợp quảng bá các nông sản Việt Nam, du lịch Việt Nam lồng ghép vào các chương trình văn hóa, nghệ thuật; có thể thêm kinh phí để cho các chương trình, đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc để có thể quảng bá văn hóa một cách hiệu quả nhất.

“Với tôi, việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các hội, đoàn tại Pháp là điều đáng trân trọng, thể hiện tình yêu nước đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Pháp. Đây là điều đáng khích lệ và nên có sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước để các hội, đoàn có thể phát huy hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa”, nữ kiều bào Pháp nhấn mạnh.

Kiều bào cùng chung tay xây dựng “cây cầu” văn hoá
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4.
Quỳnh Giang
Phiên bản di động