Chung tay bảo vệ môi trường

Bên cạnh các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường được các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể phát động, những năm qua tại các địa bàn dân cư đã hình thành nhiều câu lạc bộ, những tổ, nhóm tình nguyện góp phần làm cho thành phố sạch hơn, văn minh hơn. 
7 đội xuất sắc đoạt giải “Dấu ấn tuyên truyền viên bảo vệ môi trường”
chung tay bao ve moi truong
Các nhóm tình nguyện vì môi trường tới tận nhà dân thu gom rác điện tử góp phần bảo vệ môi trường.

Những người tình nguyện vì môi trường

Ra đời từ tháng 4-2016, CLB Môi trường Xanh phường Giảng Võ ban đầu có 5 thành viên do bà Đinh Thị Thanh Thủy (75 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường đứng đầu. Mỗi khi thấy cảnh hồ Giảng Võ luôn trong tình trạng rác thải vương vãi, rất mất vệ sinh dù các công nhân công ty môi trường đã nỗ lực thu gom hằng ngày, họ lại tình nguyện làm công việc thu gom rác thải. Định kỳ vào sáng chủ nhật hằng tuần những người phụ nữ tuổi ngoài 70 lại chia nhau nhặt rác quanh bờ hồ Giảng Võ.

Không phát động rầm rộ, không "trống giong cờ mở", họ cứ lặng lẽ cùng nhau nhặt rác rồi chuyển tới điểm thu gom của công ty môi trường. “Hữu xạ tự nhiên hương”, việc làm đầy trách nhiệm, bền bỉ mỗi sáng chủ nhật dù mưa hay nắng, dù rét cắt da thịt hay nóng gay gắt của nhóm đã lay động nhiều người dân sống quanh hồ và cả những người thường xuyên tới đây tập thể dục hay dạo chơi. Nhiều người đã gia nhập CLB, tình nguyện nhặt rác cùng các cựu nữ Thanh niên xung phong. Dần dần, CLB còn kết nối với nhiều thành viên là những người Nhật Bản đang sống, làm việc và có tình yêu đặc biệt với Hà Nội.

Thay vì nghỉ ngơi sau tuần làm việc bận rộn, chị Lê Hoàng Phương, 34 tuổi, chuyên viên Ban Quản lý 6 (Bộ Giao thông Vận tải), cũng tham gia nhặt rác vào ngày cuối tuần. “Lúc đầu, tôi thường nhặt rác quanh nhà khi rảnh rỗi, rồi từ tháng 6-2018 tôi rủ vài người bạn có cùng tâm nguyện thành lập nhóm nhặt rác ở nhiều địa điểm công cộng khác” - chị Phương kể. Thời gian đầu, nhóm đi nhặt rác ở Nhà văn hóa Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), sau mở rộng tới các khu vực khác của quận Cầu Giấy, quận Bắc Từ Liêm, thậm chí ra tới phố đi bộ Hồ Gươm, một số trường đại học...

Không dừng ở đó, chị Phương còn tổ chức thêm hoạt động thu gom rác điện tử, pin - những loại rác có nguy cơ gây nhiễm độc nghiêm trọng cho nguồn nước mà không ít người vẫn vô tình xả ra môi trường. Trang facebook có tên "GRAC Tặng đồ, thu gom pin và rác điện tử Vì Hà Nội xanh" được nhóm lập ra nhằm kêu gọi mọi người gom rác điện tử và pin để nhóm tới tận nhà vận chuyển tới các thùng thu gom của tổ chức "Việt Nam tái chế". Hiện nay trang facebook này còn có thêm hoạt động tuyên truyền thu gom rác “sạch” là những món đồ cũ còn dùng được hoặc sử dụng cho tái chế để các thành viên cùng chia sẻ, tham gia.

Nhân rộng những việc làm ý nghĩa vì môi trường

Các CLB tình nguyện vì môi trường được hình thành từ hơn hai năm qua ở tất cả 14 phường trên địa bàn quận Long Biên. Kể từ khi đi vào hoạt động các CLB này đã huy động hàng vạn lượt người tham gia cắt tỉa, chăm sóc cây, nhặt rác dọn cỏ trên đê; biến điểm chân rác thành bồn hoa, vườn hoa; vệ sinh tượng đài liệt sĩ; vệ sinh ao, mương, cống, rãnh phòng dịch bệnh; trồng hoa dọc dải phân cách... làm cho bộ mặt quận Long Biên ngày càng phong quang, sạch đẹp. Ông Võ Việt Dũng, Phó Chủ nhiệm CLB vì môi trường phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, 396 thành viên CLB tổ chức hoạt động dọn vệ sinh đều đặn sáng thứ bảy hằng tuần. Không chỉ làm sạch các điểm đen rác thải trong khu dân cư, CLB còn đảm nhận việc làm sạch đoạn đường đê tả sông Hồng kéo dài 3,8km qua địa phận phường Ngọc Thụy.

Tương tự như hệ thống CLB tình nguyện vì môi trường được rải khắp các khu dân cư ở quận Long Biên, các nhóm, CLB, hoạt động tình nguyện vì môi trường đang mở rộng theo cấp số nhân. Từ 5 thành viên ban đầu CLB Môi trường Xanh phường Giảng Võ hiện tăng lên 60 thành viên tham gia nhặt rác. Theo thời gian, số thành viên của trang facebook "GRAC Tặng đồ, thu gom pin và rác điện tử Vì Hà Nội xanh" đã tăng lên gần 4.500 người, với nhiều hoạt động thiết thực. Đó là chưa kể những nhóm, hội, cá nhân riêng lẻ vẫn lặng thầm làm sạch môi trường ở nhiều tổ dân phố, khu dân cư như một phần việc thường xuyên, hằng ngày của họ.

Đáng nói là thông qua sự tương tác, tuyên truyền, đặc biệt trên facebook, zalo của các nhóm, CLB đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của đông đảo người dân quan tâm tới môi trường sống. Từ đây, những thông điệp về bảo vệ môi trường lan tỏa rộng khắp, người dân không chỉ hiểu hơn về tác hại của rác thải thông thường với nguồn nước, không khí mà còn mở rộng nhận thức về những hiểm họa khôn lường của rác thải nhựa, rác thải điện tử tới hệ sinh thái quanh ta. Hơn thế, ngày càng nhiều người có hành động cụ thể, thiết thực chung tay bảo vệ môi trường như nhặt rác, giảm sử dụng túi nilon và đồ nhựa một lần, thu gom, xử lý, tái chế rác thải...

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên khi cho rằng: “Hoạt động của CLB Tình nguyện vì môi trường đã lan tỏa lối sống đẹp tới đông đảo nhân dân, từ đó nâng cao một bước ý thức của họ về công tác bảo vệ môi trường. Chúng tôi tin rằng chỉ khi người dân cùng song hành với chính quyền và ngành chức năng giữ gìn vệ sinh môi trường thì bộ mặt phường Ngọc Thụy nói riêng và thành phố nói chung mới giữ được xanh - sạch - đẹp và văn minh”.

Tiến sĩ Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường):

Sự vào cuộc của người dân sẽ giúp giải quyết gốc rễ các vấn đề liên quan tới môi trường. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền các nhân tố tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, tổ chức thêm nhiều phong trào thực tế bảo vệ môi trường với sự tham gia của người dân.

Nguồn: Hà Nội Mới
www.hanoimoi.com.vn
Phiên bản di động