Chung cư mini xây sai phép, hậu quả chỉ là sớm hay muộn
Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini Hàng loạt chung cư mini “khác thường” đua nhau “mọc lên” ở khu vực Hòa Lạc |
Không vì lợi ích một vài cá nhân mà biến nhiều người thành nạn nhân
Chia sẻ với báo giới, ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng.
Tuy nhiên, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trong thời gian vừa qua, không những ở địa bàn Hà Nội mà trên toàn quốc xảy ra rất nhiều vụ cháy, mà đều cháy ở cơ sở, ở những nơi đông dân cư, nơi làm việc, nhà máy, xí nghiệp, phòng karaoke...
Những yếu kém, nguyên nhân được chỉ ra đó là công tác thanh tra, kiểm tra phòng cháy chữa cháy ở cơ sở còn hạn chế, minh chứng cho thấy là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua.
"Các cuộc thanh tra, kiểm tra có thể vẫn được tổ chức hàng năm nhưng còn nặng tính hình thức, không đi sâu vào thực chất", ông Công chia sẻ.
Ông Hoàng Anh Công cho rằng, chúng ta phải có biện pháp, chế tài cụ thể, xử lý rất nghiêm đối với những cán bộ, cơ sở không thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là về vấn đề xây dựng, những công trình xây dựng trái phép, sai phép, vượt phép, mật độ dân cư quá cao trong một khu đô thị không đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng, phòng cháy chữa cháy.
Ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
"Nếu làm tốt việc phòng ngừa thì chúng ta sẽ tránh được hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng”, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì sẽ hạn chế việc xảy ra những vụ cháy", ông Công nhận định.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, để làm tốt được phòng cháy chữa cháy, một trong những việc làm là phải gắn chặt với công tác xây dựng.
Cụ thể, chúng ta phải quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó công tác là thanh tra, kiểm tra, không thể để tồn tại hiện tượng “cấp phép 6 tầng, xây 10 tầng”.
"Một giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ mà trở thành chung cư mini với hơn 100 người ở, không đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy là không thể được", ông Công nhấn mạnh.
Theo ông Công, khi đã xây sai phép, trái phép rồi mà vẫn để cho tồn tại thì hậu quả chỉ là sớm hay muộn.
Do đó, ông Công kiến nghị, sắp tới trong Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định rất chặt chẽ, đưa vào điều cấm đối với một số trường hợp, không được phép sử dụng nhà ở dân dụng với diện tích nhỏ mà lại xây dựng trở thành khu tập trung đông người không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm, mật độ, hạ tầng cơ sở, hệ thống cấp nước, thoát nước…
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện thì không có khái niệm “chung cư mini”, đấy chỉ là cách nói dân dã.
"Tất cả các nhà ở riêng lẻ biến thành chung cư mini, đấy là hình thức biến tướng, không đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn cho người dân. Tôi nghĩ rằng, cái này cần có một quy định cấm để đảm bảo tính mạng cho chính người dân, đảm bảo an toàn cho xã hội, không thể vì lợi ích của một nhóm người, một vài cá nhân mà biến nhiều người trở thành nạn nhân", ông Công nhấn mạnh.
Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini
Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thực tế phát triển Thủ đô thời gian qua, nhất là với sự kiện cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển có phần khó kiểm soát, dù có rất nhiều luật, nghị quyết được ban hành cho TP Hà Nội.
"Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, cùng với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", ông Cường đánh giá.
Các chung cư mini thường được xây sai phép, nằm trong các ngõ nhỏ nên rất khó khăn trong công tác chữa cháy |
Nêu ý kiến sau đó về nội dung liên quan chung cư mini, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị với vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy thì Hà Nội cần có quy định vượt trội hơn so với những địa phương khác, nhất là sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân.
"Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vụ cháy chung cư mini vừa qua rất đau xót, rất nghiêm trọng. Ông cũng đặt vấn đề về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn... có nên cho Hà Nội thẩm quyền quy định những khác biệt so với các địa phương khác không?
Giải trình sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng vô cùng quan trọng. Đặc biệt là qua vụ cháy nhà chung cư mini vừa rồi càng cho thấy điều này rất quan trọng.
Ông Dũng cho biết, nếu theo quy hoạch tại khu vực xảy ra vụ cháy có thể xây 6 tầng nhưng thực tế đang xây dựng 9 tầng và rõ ràng là vi phạm.
"Điều đáng lo ngại những chung cư mini thường đặt trong ngõ hẻm chỉ rộng 2 - 3m. Kể cả việc cho phép xây 6 tầng cũng vô cùng bất cập, chỉ nên cho xây 2 - 3 tầng", ông Dũng nói.
Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có điều khoản giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch tại những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh an toàn lâu dài.