Chưa đến nửa tháng, Hà Nội còn 13 doanh nghiệp phải cổ phần hóa
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn tiêu cực, làm thất thoát vốn Không để lợi ích nhóm khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước |
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong 11 tháng năm 2020, các doanh nghiệp đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng từ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trong tháng 11/2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thoái vốn tại 1 doanh nghiệp với giá trị 1,6 tỷ đồng, thu về 2,9 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang với giá trị 49,8 tỷ đồng, thu về 105,3 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định với giá trị 2,7 tỷ đồng, thu về 4,4 tỷ đồng.
Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 11/2020 đã thoái 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng từ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 103 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.966 tỷ đồng, thu về 9.647 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Hà Nội còn tới 13 doanh nghiệp phải cổ phần hóa năm 2020 |
Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg là đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.996 tỷ đồng, thu về 53.063 tỷ đồng.
Đối với công tác cổ phần hóa, trong 11 tháng năm 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của 1 Tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2).
Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 11/2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch),
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong tháng 12/2020 là 91 doanh nghiệp (trong đó triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp).
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020: TP Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Tthương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Về tình hình sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội thì trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách Nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng.
Trong 11 tháng năm 2020 đã chuyển 12.300 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) vào ngân sách nhà nước; lũy kế từ năm 2016 đến tháng 11/2020, đã chuyển 217.300 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách Nhà nước (chiếm 87% kế hoạch), năm 2020 còn phải chuyển 32.700 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách Nhà nước.