Chú trọng chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh trước thềm năm học mới

Năm học mới đang đến gần, nhiều cơ sở giáo dục đã bắt đầu tựu trường, học từ đầu tháng 8 này. Bên cạnh chất lượng dạy và học thì chất lượng bữa ăn học đường cũng là một vấn đề được phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Xác minh, làm rõ bất thường trong bữa ăn bán trú ở vùng cao Lào Cai Cộng đồng trách nhiệm trong giám sát bữa ăn học đường Phụ huynh lo ngại bữa ăn thiếu chất, mất an toàn

Thủ đô Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.840 trường học, gần 2,3 triệu học sinh mầm non và phổ thông; trong đó hơn 1.800 trường học tổ chức bán trú. Hàng ngày trung bình các nhà trường trên địa bàn thành phố phục vụ hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú.

Phụ huynh trăn trở

Trước thềm năm học mới, bên cạnh cơ sở vật chất, giáo viên, môi trường giáo dục, nhiều phụ huynh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường.

Anh Phạm Thành Trung (Thanh Nhàn, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 5 chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú.

Tuy nhiên, thông tin về đơn vị cung cấp bữa ăn chỉ được thông báo qua loa. Phụ huynh như chúng tôi không hề biết đơn vị đó là ai hay năng lực của họ ra sao”.

Bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú trước thềm năm học mới
Bữa cơm bán trú “lèo tèo” tại 1 trường THCS Hà Nội bị phụ huynh phản ánh tháng 10 năm ngoái

Đồng tình với quan điểm trên, chị Phạm Thanh Tú (Minh Khai, Hà Nội) tâm sự phần lớn việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm hay chế biến suất ăn tại trường học hiện nay chưa thực sự rõ ràng, việc lựa chọn vẫn mang tính chủ quan theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường.

Phụ huynh chưa được tham gia trực tiếp cùng với nhà trường đi thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định và chưa được trực tiếp tham gia giám sát công tác nhận thực phẩm, chế biến tại bếp ăn hàng ngày. Nhiều trường cũng chưa chú trọng thông tin về thực đơn bữa ăn hàng tuần, hàng tháng để phụ huynh được biết.

Trên thực tế, đã có trường hợp phụ huynh phải chuyển trường cho con vì bữa ăn học đường không đảm bảo.

“Trẻ cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, hợp lý để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Năm nay tôi đã quyết định chuyển trường cho con vì nhận thấy bữa ăn của các con ở trường năm qua không đảm bảo”, chị Nguyễn Tuyết Trinh, sống tại quận Long Biên, Hà Nội nói.

Cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh

Đề cập đến vai trò quan trọng của bữa ăn học đường đối với trẻ đang ở “tuổi ăn tuổi lớn”, TTS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: “Bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, vấn đề này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Hàng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do nhiều khâu trong chuỗi cung ứng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".

Thời gian qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quyết định hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở năm 2022, theo đánh giá của nhiều phụ huynh, giáo viên, chất lượng bữa ăn tại các trường học được cải thiện.

Nhiều trường đã thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm, có ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú trước thềm năm học mới
Phụ huynh học sinh đồng hành cùng nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú

Tuy nhiên, trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn “lèo tèo”, không đảm bảo chất lượng.

Để bữa ăn bán trú của học sinh được đảm bảo chất và lượng, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết: “Công tác giám sát bữa ăn bán trú luôn có sự phối hợp của Ban Giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường.

Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn của học sinh. Việc kiểm tra giám sát bữa ăn được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để Ban phụ huynh được biết, theo dõi; thông thường, thực đơn không lặp lại trong 4-8 tuần.

Nếu nhà trường không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị bên ngoài, tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm. Nếu được, cần sử dụng các bộ kit test nhanh trong quá trình kiểm tra giám sát.

Ngoài nguồn gốc thực phẩm, cũng cần kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, với cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến, nguồn nước… vì đây là vấn đề rất quan trọng”.

Ngọc Ly
Phiên bản di động