Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm rõ những băn khoăn xung quanh việc thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch

Chiều 6/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XV.
Nhật Bản sẵn sàng đầu tư 100% chi phí, làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch Chi 150 tỷ bơm nước sông Hồng "hồi sinh" Tô Lịch, chưa nước nào làm Hình ảnh những dòng sông bốc mùi ở Hà Nội mòn mỏi chờ “hồi sinh”

Tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri quận Hoàn Kiếm đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 11 của HĐND TP, trong đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra thẳng thắn, rõ trách nhiệm, tạo niềm tin cho cử tri.

Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu lên một số nội dung còn băn khoăn như việc bỏ HĐND cấp phường, thiếu quỹ đất bố trí cho trường học… Đáng lưu ý, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường như xử lý ô nhiễm không khí, ô nhiễm các dòng sông. Cử tri Nguyễn Cẩm Tú (Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm) cho rằng, chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong trước ngày 31/12/2020 là cần thiết, tuy nhiên nhiều hộ gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chi phí thay thế chất đốt cũng là rào cản. Vì vậy, cử tri đề nghị TP cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ...

Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) đề nghị làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm xung quanh thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor?

Phát biểu tiếp thu các ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, việc xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai để mở rộng, xây dựng các trường học, đang được TP tập trung tháo gỡ đối với khu vực nội thành. Trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến di dời 9 sở, ngành về khu Liên cơ Võ Chí Công. Nếu dôi dư các khu nhà đất trên địa bàn quận, TP sẽ xem xét, sắp xếp hợp lý để tăng diện tích trường học. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ xem xét lại các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của TP để tăng cường thêm đất cho trường học.

Liên quan đến lĩnh vực ô nhiễm môi trường không khí, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sơ bộ thống kê có 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô, trong đó có nguyên nhân từ việc đốt than tổ ong. Hiện nay, toàn TP có 56.000 hộ gia đình dùng than tổ ong, trong đó 67% dùng ở hộ kinh doanh, chỉ có 33% số hộ gia đình sử dụng. Trong số các hộ gia đình này, tỷ lệ hộ nghèo dùng bếp than tổ ong chiếm 27%.

Từ tháng 10/2019 đến 31/12/2020, TP tập trung tuyên truyền, vận động người dân dùng chất đốt khác thay thế bếp than tổ ong.

“TP sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống, giảm thiểu, tiến tới không còn ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần có thời gian, lộ trình, khoa học. Hiện tại, TP có 22 trạm quan trắc môi trường, tới đây lắp đặt thêm 120 trạm, trong đó có 10 trạm quan trắc môi trường di động để đánh giá vùng ô nhiễm cấp bách”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết.

Liên quan đến việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, TP luôn hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân sử dụng công nghệ tiên tiến thực hiện việc nghiên cứu, đầu tư trên địa bản TP Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty CP cải thiện môi trường Nhật Việt đã không tuân thủ yêu cầu của TP. Cụ thể, đơn vị này mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm xử lý khi chưa có kết quả thử nghiệm, không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

TP Hà Nội đề nghị Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản, Công ty CP cải thiện Môi trường Nhật Việt và các cá nhân tham gia nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam và của TP Hà Nội về lĩnh vực môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường.

Về việc triển khai công tác thí điểm xử lý làm sạch hồ để xem xét, đánh giá công nghệ Nano Bioreactor trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng giới thiệu 1 hồ nước trên địa bàn để Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản xử lý mùi và làm sạch nước, bùn.

Sau khi thực hiện các nội dung nêu trên, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị, mời Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và nước ngoài để đánh giá về công nghệ Nano Bioreactor của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản theo quy định.

Nói về việc xử lý ô nhiễm các con sông của Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, làm sạch nguồn nước của các con sông đã được TP nghiên cứu từ năm 2001. Hiện nay, Hà Nội cũng có một số nhà máy xử lý nước thải như: Tây Hồ Tây, Trúc Bạch. Tổng số nước thải Hà Nội đang xử lý được là 22%. Đây là tỷ lệ quá thấp.

Để nâng tỷ lệ xử lý này, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m3/ngày đêm. Nếu nhà máy này đi vào hoạt động thì nước thải xung quanh khu vực quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy sẽ được thu gom xử lý. Trong dự án này, phải đào gần 200 km cống để thu gom nước thải thành theo một đường ống riêng. Nếu thuận lợi, dự kiến nhà máy này sẽ khánh thành vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, từ nay đến năm 2022, để giảm ô nhiễm trên các con sông, TP đang phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu để làm sao xử lý được mùi, giảm được bùn.

"Tôi cũng khẳng định với các cử tri, không có một công nghệ nào không thu gom mà có thể xử lý triệt để được vấn đề ô nhiễm tại sông Tô Lịch khi mà một ngày 180.000 m3 nước thải xả vào nguồn nước" Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động