Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Cần sớm có bộ nhận diện cho Xích lô mang phong cách Huế
Quang cảnh buổi gặp mặt |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ vừa có buổi gặp mặt với hơn 500 đoàn viên nghiệp đoàn xích lô và chủ xe xích lô trên địa bàn TP Huế.
Ông Thọ cho rằng, nghề đạp xích lô là nghề rất vất vả, chịu nắng chịu mưa nên có nhiều người còn tự ti, mặc cảm về nghề nghiệp của mình.
“Tuy nhiên, chúng ta không nên tự ty về nghề nghiệp của mình, chúng ta bỏ sức lao động của mình ra để kiếm tiền một cách chân chính, đó là điều rất đáng tự hào; Trong xã hội, không có nghề nghiệp nào là nghề nghiệp không cao quý”, ông Thọ chia sẻ.
Nghiệp đoàn xích lô Huế hiện có 500 đoàn viên |
Xích lô được xem là nét văn hóa đặc trưng, đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo của Huế, là nét văn hóa xưa cũ trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Xích lô đã trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của du khách và người dân Cố đô Huế.
Những người đạp xích lô am hiểu về các thắng cảnh, di tích của vùng đất Cố đô, cung cách phục vụ du khách của xích lô cũng đã dần chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng chặt chém, tranh giành, chèo kéo làm du khách không hài lòng.
Ông Phan Ngọc Thọ trào quà cho đoàn viên nghiệp đoàn xích lô Huế |
Tại buổi gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ mong muốn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, cũng như những đề xuất để có những định hướng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu xích lô Huế. Và đặc biệt là tìm cách để nâng cao đời sống, thu nhập cũng như các chế độ xã hội cho người lao động hành nghề xích lô.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, để tiến tới chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả, đề nghị người lao động hành nghề xích lô sớm tham gia vào nghiệp đoàn xích lô để có những quyền lợi cũng như quy chế hoạt động thống nhất.
Ngoài ra, Liên đoàn lao động tỉnh cần phối hợp với UBND TP Huế, công an TP Huế, nghiệp đoàn xích lô và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm ban hành quy chế, tiêu chuẩn hoạt động cho nghiệp đoàn xích lô Huế; Có các chế độ về bảo hiểm y tế, xã hội, cũng như các chính sách hỗ trợ khác cho người đạp xích lô.
Trao xe xích lô cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn |
Để nâng tầm thương hiệu và hình ảnh xích lô Huế, ông Thọ cho hay cần sớm nghiên cứu để có một bộ nhận diện cho xích lô Huế (mẫu xe, màu xe) mang phong cách Huế. Phải tính đến việc niêm yết giá cụ thể đối với dịch vụ xích lô, đảm bảo mọi du khách đều được đi với giá hợp lý, như nhau. Làm sao để khi khách hàng ngồi lên xe phải yên tâm về giá cả, chặng đường và độ an toàn.
“Đã đến lúc phải đưa ra những quy định, quy chế về vận hành giao thông đối với loại hình xích lô, phải có sự quản lý về phương tiện chặt chẽ, an ninh an toàn đối với mỗi xe xích lô; có những điểm dừng nghỉ, đậu đỗ xích lô hợp lý. Làm sao để dịch vụ xích lô Huế ngày càng sang trọng hơn, người làm nghề xích lô Huế ngày càng chuyên nghiệp, văn hóa và thân thiện hơn”, ông Thọ nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao hơn 500 suất quà, mỗi suất gồm 300.000đ và 1 chai nước thủy tinh. Ngoài phần quà của Chủ tịch UBND tỉnh các đoàn viên của nghiệp đoàn Xích lô còn được nhận quà của các doanh nghiệp tài trợ như: Áo sơ mi, áo thun, thẻ bảo hiểm tai nạn con người kết hợp. Đặc biệt 5 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được VNPT Thừa Thiên Huế trao tặng 5 chiếc xích lô mới (6 triệu đồng/chiếc) để hành nghề.