Đà Nẵng: Người trồng rau khốn khổ vì xâm nhập mặn
Từ đầu năm đến nay, nắng nóng gay gắt tại các tỉnh miền Trung làm mực nước sông xuống quá thấp, nhiều diện tích rau ven sông Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng bị chết khô vì nước mặn xâm nhập. Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Làng rau La Hường có diện tích hơn 10ha, cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau, quả/năm, chủ yếu là các loại rau như dền, muống, bí đỏ lấy đọt, mồng tơi… Từ nhiều năm nay, La Hường là một trong những vùng trồng rau trọng điểm của thành phố Đà Nẵng với rau sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thế nhưng vào mùa hè năm nay, làng rau La Hường không còn là những ruộng rau xanh mướt mà thay vào đó là mảnh đất trống trơn, rau đã ngả màu, có vài chỗ đen sì do rau bị cháy, nhiều chỗ cỏ dại che khuất.
| |
Vườn rau La Hường khô héo do thiếu nước tưới |
Đang hì hục sửa máy bơm để tưới nước, mong cứu đám rau muống bị cháy vàng hơn nửa diện tích, ông Mai Văn Y, nông dân tại vườn rau La Hường cho biết, mọi năm cũng nắng nóng nhưng xen lẫn là những trận mưa lớn, nguồn nước ổn định nên mỗi tháng nông dân có thể thu về khoảng 5 triệu đồng/sào rau các loại. Năm nay thì khác…
“Do nắng nóng, không có giọt mưa nào nên nông dân ở đây ai cũng lấy nước từ sông hay làm giếng khoan. Tuy nhiên, nước sông mặn, nước giếng khoan chua hơn bình thường, tưới tới đâu hoa màu cháy tới đó. Sợ quá, không ai dám gieo trồng gì nữa, nhiều người đã phải bỏ hoang đất”, ông Y chia sẻ.
Không chỉ nắng nóng mà tình trạng xâm nhập mặn trên sông Cẩm Lệ xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay. Để cứu vườn rau của mình, người dân tự khoan giếng ngầm để cầm cự. Thế nhưng, mực nước ngầm xuống quá thấp trong khi tình trạng xâm nhập mặn tăng cao, nên giếng khoan cũng bị nhiễm mặn.
| |
Người dân chuyển sang canh tác các loại rau chịu hạn như mướp, bầu, bí... nhưng năng suất và thu nhập thấp. |
Một số người dân đành chuyển qua trồng các giống cây có khả năng chịu hạn nhưng năng suất và thu nhập thấp như mướp, bí, bầu, ớt...Bên cạnh đó, để giảm bớt độ chua, nông dân thường rải vôi, một số chế phẩm giúp cây trồng giảm độ PH trong những ngày nắng nóng.
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho biết, dự báo trong thời gian đến, đầu vụ hè thu vẫn khô hạn, cuối vụ sẽ gặp lũ bão. Tại TP Đà Nẵng, đối với cây lúa, vụ đông xuân gần 2.500 ha, vụ hè thu chỉ còn 2.000 ha; đối với cây hoa màu khoảng 100ha. Riêng HTX La Hường có khoảng 5ha không thể canh tác được vào vụ hè thu.
| |
Thường xuyên rải vôi, một số chế phẩm giúp cây trồng giảm độ PH để mong "vớt vát" vựa rau |
“Nông dân thường có thể chủ động về nguồn nước, với những nơi khô hạn, họ đào đặt những trạm bơm dã chiến để khô đén đâu tưới đến đó. Tuy vậy, nguồn nước của người dân thường bị nhiễm phèn, xâm nhập mặn là chính”, ông Nguyễn Đình Khánh Vân cho biết.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, tình hình mưa trong nửa đầu năm 2020 đạt từ 70-100% (thấp hơn TBNN) vào các tháng 02 và tháng 6 và từ 40-90% (thấp hơn TBNN). Dòng chảy về sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng phổ biến thiếu hụt khá nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020 mực nước trung bình trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa và sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ tiếp tục ở mức thấp hơn TBNN. Trên sông Vu Gia, mực nước có khả năng xuống thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử cùng kỳ. Mặn trên các sông khả năng ở mức mạnh hơn TBNN cùng kỳ, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trên các sông sẽ xuất hiện độ mặn lớn, mặn xâm nhập sâu vào trong sông gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.