Chính thức khởi công nhà ga sân bay lớn nhất Việt Nam
Phục Hưng Holdings trong liên danh trúng gói thầu tỷ USD sân bay Long Thành Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết khiếu nại gói thầu dự án sân bay Long Thành |
Chiều 31/8, Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) của giai đoạn 1 và nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ACV, dự án sân bay Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện quyết tâm rất lớn, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam.
Giai đoạn 1 dự án đầu tư với quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Đây không chỉ là sân bay lớn nhất Việt Nam, mà hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, không chỉ "chắp cánh" cho sự phát triển của ngành hàng không, mà còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia.
Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Long Thành có giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công 39 tháng. Đây cũng là hạng mục quan trọng nhất của dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. |
Còn gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay sân bay Long Thành giai đoạn 1 có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, với thời gian thi công khoảng 23 tháng (700 ngày) - là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của công trình sân bay Long Thành đến thời điểm hiện nay.
Đây là 2 gói thầu quan trọng của dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, sánh ngang với các sân bay cùng quy mô trên thế giới.
Phát biểu tuyên bố khởi công các gói thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của 2 dự án sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Thủ tướng, thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, sân bay Long Thành giai đoạn 1 và xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ ấn nút khởi công. |
Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với "hệ sinh thái kinh tế hàng không", tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ACV và các bộ, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục về đấu thầu, đất đai, đầu tư, vốn và đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công 3 gói thầu, với sự vào cuộc, ủng hộ của Nhân dân.
Đây là các dự án rất lớn, kỹ thuật phức tạp, lễ khởi công 3 gói thầu chỉ mới là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, thúc đẩy tiến độ công trình với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả của dự án như đã được thẩm định và phê duyệt.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong khi đó, ACV phải chủ động phối hợp với UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tích cực kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Các nhà thầu thi công trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xây dựng, huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ; nghiêm cấm việc sử dụng nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, hoặc thi công không đủ nguyên vật liệu theo yêu cầu… Chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm nếu các nhà thầu thi công có sai phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các nhà thầu thi công, giám sát đã nói phải làm, đã cam kết rồi thì phải thực hiện, làm phải có hiệu quả lượng hóa được bằng sản phẩm cụ thể, đúng chất lượng, đúng quy định, đúng tiến độ, không lãng phí, tiêu cực; quá trình thi công phải khoa học, an toàn.
Thủ tướng cũng đề nghị bà con Nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các ban chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan với trách nhiệm và quyền hạn sẽ hết sức ủng hộ, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành 2 dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.
Thủ tướng nhấn mạnh 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt.
Thứ nhất, bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ; thứ hai, phải nâng cao chất lượng; thứ ba, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; thứ tư, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; thứ năm, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; thứ sáu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, nâng cao phẩm chất và trình độ, nâng lực của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung.