Chính sách thuế của Mỹ: Nước nào khôn khéo hơn sẽ vượt qua cú sốc
Việt Nam vẫn còn dư địa đàm phán
Đánh giá về việc Mỹ đánh thuế lên đến 46% với hàng hóa Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, chúng ta cần nắm sát tình hình, diễn biến, đặc biệt là những động thái mới từ phía Chính phủ Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến thuế quan và kể cả các vấn đề liên quan khác.
Bên cạnh đó, cần quan sát thêm động thái của các nước khác, nhất là những nước lớn, những nước có cán cân thương mại lớn, có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ.
Ngoài ra, Chính phủ và doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Có thể theo hướng là ở một mức độ thuế quan nào đó mà phía Mỹ sẽ áp lên Việt Nam, chẳng hạn như từ 25-30% thay vì 46% để chúng ta có giải pháp và ứng phó.
Trong đó, chúng ta phải hết sức bình tĩnh theo hướng là không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan, bởi vì đây là câu chuyện toàn cầu và đặt ra rủi ro, thách thức đối với toàn cầu chứ không chỉ có riêng Việt Nam.
"Nước nào bình tĩnh hơn, nước nào chủ động hơn, nước nào khôn khéo hơn thì sẽ vượt qua được cú sốc lớn này một cách thành công, tức là giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực và đồng thời cũng có thể tận dụng một số cơ hội nhất định trong bối cảnh hiện nay", ông Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa đàm phán, nhưng thời gian không còn nhiều. Từ ngày 5/4, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế bổ sung 10% cho toàn bộ hàng nhập khẩu và đến ngày 9/4, họ sẽ xem xét mức thuế bổ sung có thể lên tới 50% với khoảng 59 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để tận dụng được dư địa đàm phán, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần tập trung vào một số điểm then chốt.
Theo đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì làm rõ để phía Mỹ thấy rằng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam mang tính tương trợ, bổ trợ lẫn nhau.
Đồng thời, phía Mỹ vừa công bố các vướng mắc liên quan đến 14 lĩnh vực trong báo cáo rào cản thương mại Mỹhôm 1/4 vừa qua. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm và có những giải pháp rất cụ thể để khắc phục và giải quyết những băn khoăn, khuyến nghị này. Nếu chúng ta giải quyết kịp thời thì cũng sẽ thể hiện chúng ta có thiện chí và hết sức nghiêm túc để tiếp thu và giải quyết các vướng mắc cho phù hợp.
![]() |
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia |
Bên cạnh đó, trong công thức tính toán về mức độ thuế suất của Mỹ thì hiện nay có 2 hàm số rất quan trọng: Hàm số chung cho toàn thế giới là 4 và một hàm số nữa có liên quan đến hệ số co giãn mà Mỹ đang lấy theo mức độ về bảo hộ thương mại của các nước. Việt Nam đang nằm ở trong nhóm có hệ số 0,25 - hệ số tương đối thấp, có nghĩa là chúng ta còn nhiều rào cản thương mại cần phải tháo gỡ.
"Việt Nam cần chứng minh cho phía Mỹ là chúng ta đã cởi mở vấn đề thương mại đến đâu, còn đối với những vướng mắc, rào cản thì chúng ta quyết tâm có lộ trình và giải pháp tháo gỡ cụ thể trong thời gian tới, bảo đảm hiệu quả", ông Lực nói.
Theo ông Lực, chúng ta có thể đề nghị phía Mỹ nâng hệ số này lên, ví dụ nâng từ 0,25 lên 0,5. Lập tức, mức thuế suất có thể giảm đi đáng kể, có thể từ 46% xuống một mức khoảng 30%. Đó cũng là một cách tiếp cận dựa trên số liệu, khoa học, có công thức tính toán cụ thể mà phía Mỹ thường làm theo cách đó.
Chúng ta cũng cần hiện thực hóa những biên bản ghi nhớ, hợp đồng đã ký kết về nhập khẩu thiết bị hàng hóa từ phía Mỹ thực hiện thời gian vừa qua và phải cụ thể thành hợp đồng cũng như có những giao dịch rất cụ thể trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp và địa phương minh bạch hóa nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, của các chương trình, dự án đầu tư có liên quan để khi làm việc với phía Mỹ, chúng ta có thể chứng minh cho họ thấy là những hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đôi khi xuất phát từ sự đầu tư của Mỹ chứ không phải đơn thuần của nước khác hay của riêng Việt Nam.
Mỹ áp thuế lên tới 46% là không công bằng
Chiều 4/4, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương quý I/2025, thông tin tới các phóng viên báo chí về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết, từ 5/4, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9/4, trong đó có áp thuế 46% đối với Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Việt Nam rất quan ngại về quyết định trên của Mỹ. Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, với WTO đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
![]() |
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương). |
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc, phê duyệt một số dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ tại Việt Nam ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường cho 13 nhóm hàng mà Mỹ có lợi thế cạnh tranh; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) để giảm thiểu rủi ro chuyển tải bất hợp pháp.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; giải đáp và xử lý các quan ngại của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) nêu trong 6 lĩnh vực cụ thể mà Mỹ quan tâm: Tiếp cận thị trường; nông nghiệp; ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; sở hữu trí tuệ, thương mại số; đầu tư; lao động.
Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, mức thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do vậy, việc Mỹ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Mỹ và Mỹ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.
"Bộ Công thương mong muốn Mỹ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước", ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho biết, ngay sáng 3/4, sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Bộ Công thương đang thu xếp cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR), và Bộ Thương mại Mỹ trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Mỹ, phối hợp với Mỹ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới, phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.