Chính quyền bảo đúng, dân phản đối kêu sai, doanh nghiệp ở giữa ngắc ngoải chờ "phá sản"
Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Sông Thương (Công Ty Sông Thương) có địa chỉ tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang đã gửi đơn kêu cứu tới Báo Tuổi trẻ thủ đô, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật phản ánh về việc chính quyền huyện Lạng Giang và xã Dương Đức mặc dù đã giải thích, phân tích các căn cứ pháp lý cho người dân hiểu về quy trình, thủ tục thu hồi đất để làm cây xăng là đúng quy định pháp luật nhưng một số người dân cố tình “không muốn hiểu”.
Theo đơn thư, Công ty Sông Thương cho rằng, ban lãnh đạo thôn Đức Thọ 19 đã lôi kéo một số người dân, anh em, họ hàng cản trở sự phát triển của nhiều doanh nghiệp trước đó chứ không chỉ riêng một doanh nghiệp, thậm chí họ còn đọc loa, hô hào người dân ra ngăn cản doanh nghiệp thi công.
Các văn bản pháp lý mà Công ty Sông Thương gửi kèm đơn cầu cứu đến Báo Tuổi trẻ Thủ đô. |
Để làm rõ thông tin, phóng viên đã về tìm gặp các cá nhân, tổ chức có liên quan tới nội dung đơn thư. Theo đại diện Công ty Sông Thương: “Chúng tôi đang rất mệt mỏi, doanh nghiệp không được tạo điều kiện để phát triển. Mình làm đúng và đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật thì lẽ ra chính quyền và cơ quan chuyên môn cũng cần có biện pháp để doanh nghiệp thi công. Cứ như thế này đến bao giờ? Chúng tôi sắp không biết xoay sở ra sao vì sau 3 năm trời dự án vẫn là một bãi đất trống… doanh nghiệp khổ trăm đường”.
Vẫn theo người đại diện, ngày 22/3/2017, UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 142/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Sông Thương đầu tư dự án “Xây dựng Cửa hàng kinh doanh xăng dầu” tại địa điểm thôn Đức Thọ 19, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Khu đất thực hiện dự án xăng dầu. |
Đến ngày 31/01/2018, UBND huyện Lạng Giang đã ra Quyết định số 109/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.430m2 đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản thuộc quỹ đất nông nghiệp dành cho nhu cầu công ích do UBND xã Dương Đức đang quản lý (chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào thuê) tại thửa đất số 12 diện tích 4.696,2m2, tờ bản đồ trích đo địa chính tại thôn Đức Thọ 19, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang để thực hiện dự án xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang.
UBND huyện Lạng Giang đã thu hồi và chuyển mục đích sử dụng khu đất công ích mà trưởng thôn và một số người dân đang đòi giữ lại. |
Sau khi hoàn tất thủ tục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, ngày 09/7/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 458/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty Sông Thương thuê đất (đợt 1) tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang với tổng diện tích đất chuyển mục đích sử dụng là 4.278,9m2 (trong đó: 2.848,9m2 đất nông nghiệp Công ty Sông Thương đã nhận chuyển nhượng; 1.430m2 đất nuôi trồng thủy sản thuộc quỹ đất công ích UBND huyện Lạng Giang đã thu hồi tại Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 và giải phóng mặt bằng xong).
Ngày 17/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Phòng TN&MT huyện Lạng Giang, UBND xã Dương Đức tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho Công ty Sông Thương.
Khu đất Công ty Sông Thương được giao nằm ở giữ ngã tư đường mới đi Nghĩa Hưng, Lạng Giang. |
Theo biên bản bàn giao đất thì công ty được giao 895,8m2 đất tại thôn Đức Thọ 19, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang. Ngày 04/11/2019, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT519026 cho Công ty Sông Thương đối với 895,8m2 đất tại thôn Đức Thọ 19, xã Dương Đức. Ngay sau đó, chúng tôi đã làm thủ tục và được UBND huyện Lạng Giang cấp phép xây dựng vào ngày 31/12/2019.
Sở TNMT tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT519026 cho Công ty Sông Thương |
Khi công ty bắt đầu triển khai thi công đổ đất san lấp mặt bằng, ngày 15/01/2020 và sáng ngày 16/01/2020, một số người dân thôn Đức Thọ 19 (trong đó có bà Phùng Thị Bài - trưởng thôn Đức Thọ 19, ông Nguyễn Văn Thanh - phó thôn Đức Thọ 19, ông Nguyễn Đức Hiệp - Trưởng ban mặt trận dân cư thôn Đức Thọ 19, ông Nguyễn Văn Đích - Bí thư chi bộ thôn Đức Thọ 19) đã tới gây rối, cản trở việc san lấp mặt bằng của công ty với nhiều hình thức. Những người này còn sử dụng máy xúc cản trở việc san lấp mặt bằng của doanh nghiệp, cụ thể, ngay sau khi đơn vị thi công đổ đất san lấp mặt bằng thì họ cho máy xúc múc đất lên, không cho thi công san gạt,…). Nhiều ngày sau đó, cứ thi công thì họ lại ra cản trở, phá bỏ hết cột mốc giao đất, đường điện. Lý do họ cho rằng công ty lấp ao nước của họ(?), đại diện của Công ty Sông Thương cho biết.
Diện tích thi công dự án (đổ) không đáng kể với ao nước (vàng) mà người dân đang cố giữ. |
“Hiện tại chúng tôi đang gặp quá nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp không làm ăn được gì. Làm dự án xăng dầu toàn tiền đi vay mượn, bây giờ phải đối đầu với khoản lãi hàng tháng, thậm chí là hàng ngày nên chậm khởi công ngày nào thì chúng tôi đóng lãi ngày đó… cứ tình hình này chắc phá sản”.
Phóng viên đã liên hệ với ông Lương Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND xã Dương Đức, huyện Lạng Giang. Ông Dũng xác nhận là có sự việc trên và cho rằng do bà con chưa hiểu: “Doanh nghiệp thì cơ bản đã làm đầy đủ các thủ tục, được giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng và có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Tuy nhiên trong quá trình thi công lại gặp phải phản ánh của người dân nên hiện tại đang tạm dừng. Cơ quan chuyên môn của huyện Lạng Giang và UBND xã cũng đã tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về dự án."
Cơ quan chuyên môn của huyện Lạng Giang và xã Dương Đức đã giải thích cho người dân hiểu nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận. |
Phóng viên cũng đã trao đổi với một số người dân thôn Đức Thọ 19 để tìm hiểu về lý do họ cản trở doanh nghiệp thi công. Một người dân cho rằng, cây xăng thì cần nhưng thùng vũng (ao nước) để canh tác của chúng tôi cũng cần.
Một người khác lại ý kiến rằng, nếu không có ông Thanh, bà Bài hô hào, gọi chúng tôi ra thì chúng tôi mất đất, mất đấu nước rồi.
Thế ông Thanh, bà Bài là ai mà lại có uy tín như vậy? Phóng viên đã hỏi ông Lương Mạnh Dũng – Chủ tịch UBND xã Dương Đức thì được biết: “Bà Bài và ông Thanh là lãnh đạo thôn Đức Thọ 19, đất ở đây là đất công ích đang được quản lý trực tiếp bởi UBND xã, sau đó UBND huyện thu hồi. Chúng tôi đang giải thích cho bà con hiểu về quyền lợi và trình tự thu hồi ở đây là làm đúng quy định."
Vậy cuối cùng là ai đúng, ai sai, cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trong chuyện này? Chính quyền, nhân dân hay doanh nghiệp?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.