Chính phủ vẫn muốn bỏ án tử với tội sản xuất thuốc giả, tham ô, nhận hội lộ

Về dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, Chính phủ đề nghị giữ quy định về bỏ hình phạt tử hình tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cân nhắc việc bỏ án tử với tội tham nhũng, buôn bán ma túy Cân nhắc việc bỏ án tử hình với một số loại tội danh Đề xuất tăng mức phạt tù với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm

Chiều 10/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Trước khi tiến hành thảo luận, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Theo đó đã có 132 lượt ý kiến phát biểu; đa số đều tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và các nội dung cơ bản của dự thảo luật.

Một số đại biểu có ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật trong toàn bộ dự thảo Luật; bỏ các quy định có liên quan về hình phạt tù chung thân không xét giảm án; chỉnh lý một số nội dung có liên quan đến các tội về ma túy, tội tham ô, nhận hối lộ.

Chính phủ vẫn muốn bỏ án tử với tội sản xuất thuốc giả, tham ô, nhận hội lộ
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Trình bày báo cáo ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban đã khẩn trương phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 4 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 38/426 điều, khoản của Bộ luật Hình sự hiện hành (giảm 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại đợt 1 kỳ họp thứ 9) và sửa đổi, bổ sung 4 luật có liên quan.

Qua nghiên cứu, Thường trực Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với các nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện trong dự thảo luật về phạm vi sửa đổi, bổ sung; tên gọi của Luật; về việc không bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính vào Bộ luật Hình sự; về nâng mức hình phạt tù tại một số tội danh; về hiệu lực thi hành của luật…

Chủ nhiệm cho biết, qua tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường cho thấy có 2 vấn đề lớn dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh và việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, Chính phủ đề nghị vẫn giữ nội dung như đã trình Quốc hội.

Chính phủ vẫn muốn bỏ án tử với tội sản xuất thuốc giả, tham ô, nhận hội lộ
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Trong đó, về dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, Chính phủ đề nghị giữ quy định về bỏ hình phạt tử hình tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Qua thảo luận vấn đề này, trong Thường trực Pháp luật và Tư pháp có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: tán thành với quy định của dự thảo Luật về bỏ hình phạt tử hình tại 8 tội danh với các lý do như Chính phủ đã nêu tại báo cáo số 483/BC-CP.

Loại ý kiến thứ hai: Nhất trí việc xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với 4 tội danh; đồng thời, trong bối cảnh tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng hiện nay, loại ý kiến này đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với 4 tội danh, gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250), tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354) để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa và tính nghiêm minh của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này.

TAND tối cao, Viện KSND tối cao đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ. Ngoài ra, Viện KSND tối còn đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với tội gián điệp.

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, trường hợp vẫn giữ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ thì nghiên cứu bổ sung vào khoản 2 Điều 40 của Bộ luật Hình sự quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trước khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chính sách khoan hồng ngay trong giai đoạn xét xử, không chờ đến giai đoạn thi hành án.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội và giải trình cụ thể các vấn đề đại biểu nêu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công an, các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng, kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng chương trình, trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ và báo cáo ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra về các nội dung đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý về phạm vi sửa đổi, bổ sung; tên gọi của luật; việc không bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính; về nâng mức hình phạt tù; hiệu lực thi hành của luật…

Đối với 2 nội dung về bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh và việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội còn khác nhau, nhưng vấn đề này đã được cơ quan có thẩm quyền Kết luận tại văn bản số 13936 ngày 25/3 của Văn phòng Trung ương Đảng và Thông báo số 149 của Văn phòng Trung ương Đảng giao các cơ quan đề xuất sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan hoàn chỉnh dự thảo luật với chất lượng cao nhất, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Hậu Lộc
Phiên bản di động