Chiết khấu xăng dầu có thời điểm lên tới 2.500 đồng/lít
Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu 'Ông trùm' xăng dầu Việt Nam sẽ thoái sạch vốn tại PG Bank |
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý I/2023, sáng 30/3, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết, sau một số thời điểm khó khăn, quý I/2023, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cơ bản ổn định.
Nguyên nhân là do tình trạng một số kho xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối trước đây bị tạm dừng vì chưa kết nối thiết bị đo bồn bể tự động nay đã được khắc phục. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu mối cũng đã thực hiện tốt kế hoạch phân giao tổng nguồn do Bộ Công thương giao, nên nguồn cung được cải thiện.
Cũng theo đại diện VINPA, hiện tại, mức chiết khấu xăng dầu tại miền Bắc là từ 700 - 800 đồng/lít, miền Nam từ 1.000 - 1.100 đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 1.800 - 2.500 đồng/lít, tuỳ mặt hàng. Mức chiết khấu này đã giúp doanh nghiệp đại lý bán lẻ xăng dầu bớt đi phần nào khó khăn.
Đại diện VINPA cũng chia sẻ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã cập nhật một số chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, về lâu dài, VINPA mong muốn Nhà nước để doanh nghiệp xăng dầu tự công bố chi phí kinh doanh, Nhà nước chỉ công bố giá thế giới, lợi nhuận định mức, mức chi quỹ bình ổn…
Theo đại diện VINPA, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý đỡ vất vả, giúp tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp theo đúng nền kinh tế thị trường. Đồng thời tạo sự chủ động cho doanh nghiệp vì mỗi doanh nghiệp có một chi phí xăng dầu khác nhau.
Trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị liên Bộ Tài Chính - Công thương phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức kinh doanh mà họ được hưởng.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: Chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa.
Cụ thể , trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này.
Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, trên thực tế họ không phải nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối. Doanh nghiệp bán lẻ bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập.
"Doanh nghiệp bán lẻ hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng", đơn kiến nghị nêu.
Do đó, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng họ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.
"Kiến nghị liên Bộ Tài Chính - Công Thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu", đơn kiến nghị nêu rõ.