Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đẩy lên cấp độ đối đầu mới
Báo Anh: Nhiều công ty đổ vào Việt Nam để tránh thương chiến Mỹ-Trung Leo thang chiến tranh thương mại, Mỹ-Trung bên nào thiệt hơn |
Quan hệ Mỹ-Trung gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu khác thường, sự bất mãn và nghi kỵ lẫn nhau sâu sắc. Cuộc chiến tranh thương mại bộc lộ gay gắt, vượt lên một cấp độ mới. Trung Quốc trước đây làm nhẹ tính nghiêm trọng của nó, cho rằng nó chỉ là "cọ xát thương mại", từ ngày 14/5, bắt đầu sử dụng cụm từ "chiến tranh thương mại".
Mỹ tiến hành các biện pháp mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với hãng tin Mỹ Fox News đã nói toạc ý đồ của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là nhằm ngăn cản Trung Quốc trở thành siêu cường đứng đầu thế giới. Ông cho biết rất hài lòng về cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, đem lại cho Mỹ hàng tỷ đô la, trong khi "Trung Quốc không làm được như Mỹ". Nền kinh tế Trung Quốc vào lúc này "không được tốt, trong khi kinh tế Mỹ tuyệt vời". Ông Trump nhận định: "Mặc dù họ đang đuổi theo chúng ta và họ muốn lớn hơn chúng ta. Nếu Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ, thì Trung Quốc sẽ có một nền kinh tế lớn hơn kinh tế chúng ta rất nhiều vào cuối nhiệm kỳ của bà ta. Nhưng nay thì họ chưa đuổi kịp". Ông Trump khẳng định, Trung Quốc "có ý định đuổi kịp và vượt Mỹ", nhưng ông ta sẽ không để Trung Quốc làm được điều đó.
Tổng thống Trump ký Lệnh hành chính có tên "Bảo đảm an toàn chuỗi cung ứng kỹ thuật và dịch vụ thông tin và viễn thông", là một phần trong cam kết bảo vệ kỹ thuật và dịch vụ thông tin của Mỹ, nhấn mạnh, Chính phủ sẽ làm tất cả để bảo đảm an ninh và phồn vinh của nước Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại đã buộc những người lao động nông thôn lên làm việc tại thành phố phải trở lại quê nhà để tự lo liệu kiếm sống. |
Cho dù phía Mỹ không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng hành động này là nhằm vào Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang nâng cấp hiện nay, việc ban hành Lệnh hành chính này là có dụng ý rõ ràng. Nó tiêu điểm vào và Hoa Vi và nhằm mở đường cho lệnh cấm kinh doanh với Hoa Vi. Sắc lệnh này chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ cùng các cơ quan chính phủ khác vạch ra kế hoạch thực thi trong vòng 150 ngày. Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đưa Tập đoàn Hoa Vi và 70 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Lệnh có hiệu lực trong vài ngày tới, Tập đoàn Hoa Vi sẽ cần xin giấy phép từ Washington để mua công nghệ Mỹ.
Theo Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington, "hành động này có tiềm năng dẫn đến sự hủy diệt đối với Hoa Vi. Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của động thái này. Đây là công ty quan trọng nhất của Trung Quốc và đe dọa như vậy sẽ gây ra sự phản ứng kinh khủng từ người dân cũng như chính quyền Trung Quốc. Đàm phán thương mại song phương vốn đã mong manh, hành động này có thể phá tan toàn bộ đàm phán.
Các Nghị sỹ đảng Cộng hòa mới đây đã đề xuất Dự luật mang tên "Đạo luật An ninh thị thực PLA", được công bố ngày 14/5, sẽ cấm việc cấp thị thực cho các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đến học tập và làm việc tại Mỹ. Nó là động thái mà phía Trung Quốc phê phán "chính trị hóa" vấn đề; hạn chế và đe dọa một cách không phù hợp.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Kiron Skinner, Chủ nhiệm Quy hoạch Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ, miêu tả cạnh tranh Trung - Mỹ là xung đột giữa hai nền văn minh khác nhau. "Thuyết xung đột văn minh" ấy cho thấy một số đặc trưng trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và trong chính trị nội bộ nước Mỹ, đề cao hình thái ý thức trong quan hệ Mỹ-Trung. Phía Trung Quốc đã phê phán quan điểm của bà này.
Trung Quốc lên án Mỹ
Ngày 15/5, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Văn minh châu Á được tổ chức tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia hãy cởi mở với nhau, và lên án chủ nghĩa thượng đẳng cực đoan là "ngu ngốc".
Trong tháng 3 vừa rồi, Trung Quốc đã tiến hành bán ra một số lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất trong hai năm trở lại đây lên tới 20,5 tỷ USD. Điều này làm giới quan sát bên ngoài dấy lên lo ngại rằng, trong khi tranh chấp thương mại đang gia tăng, Trung Quốc có thể sử dụng danh nghĩa chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ để làm vũ khí đối phó.
Phía Trung Quốc đã loại bỏ 30% dự thảo thỏa thuận thương mại với Mỹ, coi các phần ràng buộc pháp lý của dự thảo là "một hiệp ước bất bình đẳng".
Tôn Xương Quốc, một nhà bình luận chính trị có tên tuổi tại Đài Loan, nhận xét: "Trump phát động cuộc chiến vượt giới hạn, chấm dứt ‘mô thức Trung -Mỹ’ (Chimerica)", hình thành khi Nixon thăm Trung Quốc năm 1972, mà nội dung là liên Trung chống Xô.