Chi 150 tỷ bơm nước sông Hồng "hồi sinh" Tô Lịch, chưa nước nào làm
Hình ảnh những dòng sông bốc mùi ở Hà Nội mòn mỏi chờ “hồi sinh” Bổ cập nước giải pháp hồi sinh môi trường sông hồ Hà Nội Đề xuất xây dựng lầu vọng nguyệt dọc hai bờ sông Tô Lịch |
Đề án “hồi sinh” sông Tô Lịch bằng cách bơm nước từ sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
“Pha loãng” không phải là xử lý ô nhiễm môi trường
Để “hồi sinh” sông Tô Lịch, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đưa ra đề án lấy nước từ sông Hồng sẽ được bổ cập vào hồ Tây, sau đó điều tiết ra sông Tô Lịch để pha loãng và làm sạch.
Cụ thể, trạm bơm cố định dự tính được đặt cách chân cầu Nhật Tân 600m, về phía hạ lưu. Hệ thống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1.200mm. Hệ thống dẫn đến bể xử lý cạnh Công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống khoảng 1.960m. Hệ thống chạy đến mương tiêu cạnh hồ Tây, vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.
Nước vào hồ Tây khi đạt mực cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Với phương án này, mỗi ngày dự kiến bơm 134 nghìn m3 nước (bơm 26 ngày/tháng). Khái toán kinh phí dự án 150 tỷ đồng.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện KHCN & Quản lý Môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng kế hoạch bơm nước từ sông Hồng để “giải cứu” sông Tô Lịch là không khả thi, chỉ là giải pháp tình thế, không xuất phát từ căn nguyên của vấn đề.
"Việc đổ nước vào dòng sông “chết” như vậy để lan tỏa ra khắp nơi là không thể chấp nhận được. Như vấn đề ống khói cũng vậy, để xử lý nhiều người nghĩ rằng sẽ làm ống khói cao lên. Tuy nhiên, đây không phải là một cách xử lý. Đó chỉ là việc chúng ta đánh lừa nhau, bởi rằng độc tố vẫn tồn tại trong không khí, không thể giải quyết được”, GS.TSKH Lê Huy Bá lập luận.
Ông cũng cho hay chưa có nước nào trên thế giới thực hiện theo phương pháp này. Một số nước tiên tiến có dòng sông ngầm, xử lý nước thải bằng cách sơ bộ trước, sau đó mới chuyển dòng chảy đến một dòng chảy khác để tiếp tục xử lý, sau đó mới đưa ra sông và ra biển.
Ngoài các yếu tố về mặt kỹ thuật đang có nhiều ý kiến trái nhiều, một số người dân còn tỏ ra băn khoăn về vấn đề chi phí vận hành và chi phí nạo vét tầng bùn đáy sông Tô Lịch tích tụ nhiều năm qua.
Về biện pháp lấy nước sông Hồng, công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, các đơn vị chức năng sẽ xây dựng một trạm bơm gồm 4 tổ máy bơm chìm có các thông số ước tính là: Q=2300 m3/h, H=16,5m, N= 132kW), trong đó có 1 máy dự trữ chìm đặt trong ống đứng.
Theo phương án này, mỗi ngày TP Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000m3 nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng). Như vậy, tính sơ lược riêng chi phí tiền điện vận hành của tổ máy bơm này ước tính hết khoảng hơn 600 triệu/tháng (gần 8 tỷ/năm), chưa kể chi phí khác.
Như vậy, vòng đời của dự án này tính trong 25 năm cũng sẽ ngốn hết thêm 200 tỷ tiền điện, chưa kể chi phí nhân công, chi phí vận hành khác.
Ngoài ra, dù có thực hiện theo đề án này cũng không thể “hồi sinh” sông Tô Lịch. Trong tháng 7, công ty Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc xả lượng nước lớn vào khiến sông Tô Lịch thay đổi bất ngờ, từ màu nước đen, ô nhiễm trước chuyển sang nước khá trong và xanh.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày nước sông Tô Lịch lại chuyển màu, trở về trạng thái đen kịt như trước đó, kèm theo nhiều loại cá chết, bốc mùi hôi thối.
Đặc biệt, để “hồi sinh” sông Tô Lịch theo cách dùng nước Hồ Tây để pha loãng, “làm sạch” sông Tô Lịch thì vẫn phải bắt buộc tốn chi phí để nạo vét lớp bùn dưới đáy đã tích tụ dưới đáy sông hàng chục năm qua.