Chàng trai Hà thành với khát vọng đưa cổ phục Việt Nam ra thế giới
Văn hóa học đường: Bắt đầu từ việc mỉm cười, cúi chào Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, nối tiếp suốt chiều dài lịch sử Độc đáo lớp học Lịch sử tại trường Đại học đầu tiên của Việt Nam |
Quyết định rẽ trái
Nguyễn Đức Lộc là cái tên được nhiều người nhắc đến trong giới phục dựng trang phục xưa. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình làm nghề may, Lộc thừa hưởng sự khéo léo và gu thẩm mỹ của cha ông để lại.
Điều đáng nói hơn, khi bạn bè cùng lứa thích theo đuổi công nghệ, những ngành nghề thời thượng, thì Lộc lại thích tự mày mò, nghiên cứu lịch sử.
Càng đi sâu tìm hiểu, anh càng nhận ra, Việt Nam có một kho tàng văn hóa vô giá. Đặc biệt, ở lĩnh vực thời trang, cổ phục qua các triều đại hàng nghìn năm đối với Lộc trở thành một kho báu vô tận chưa được khai phá.
“Khi tìm hiểu sâu, tôi nhận ra chúng ta đang lãng quên quá khứ. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã coi Hanbok, Kimono là quốc phục, và họ biết khai thác giá trị thương mại từ văn hóa, từ lịch sử. Vậy tại sao chúng ta lại không thể” – nghĩ vậy và Lộc có quyết định bước ngoặt: bỏ nghề truyền hình và rẽ trái.
Nguyễn Đức Lộc luôn đau đáu với trang phục Việt cổ |
Là thành viên tích cực của các diễn đàn về trang phục cổ, Lộc đã tập trung được một đội ngũ những bạn trẻ cùng đam mê, sở thích, lập nên thương hiệu Ỷ Vân Hiên và bắt đầu một hành trình khôi phục những giá trị cốt lõi của trang phục Việt.
Trái ngọt sau hành trình gian nan
Lộc cho biết, nghĩ vậy, nhưng bắt tay vào làm còn khó hơn. Để có một bộ trang phục như long bào, trang phục của tầng lớp quan lại thời phong kiến không đơn giản chỉ là câu chuyện may mặc, kiểu dáng mà là cả sự dày công nghiên cứu từ lịch sử đến lựa chọn chất liệu.
Lộc và đội ngũ của mình đã học từ sách vở, tìm gặp các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, đi đến các làng nghề dệt vải tìm hiểu cách làm, tìm đến những nghệ nhân thêu, làm mũ, nón, giày hài... khắp nơi trên cả nước.
Trang phục của tầng lớp quan lại phong kiến được Nguyễn Đức Lộc phục dựng và đưa vào ứng dụng trong đời sống |
“Nhưng tôi may mắn có những cơ duyên không phải ai cũng có. Tôi được gặp những nghệ nhân của Huế, được tận máy chiêm ngưỡng những cổ vật mà trong mơ cũng không dám nghĩ tới. Và từ lâu, tôi nghĩ việc quảng bá, gìn giữ những giá trị văn hóa cổ đã là sứ mệnh của mình nên con đường tôi đi, dù chông gai, tôi vẫn vẫn chọn và thấy hạnh phúc vì điều đó” – Đức Lộc cho biết.
Phía sau mỗi bộ trang phục cung đình ẩn chứa những câu chuyện lịch sử |
Kiên trì và bền bỉ, rồi những bộ sưu tập áo dài 5 thân, áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình… được Đức Lộc liên tục cho ra mắt. Không ngờ, làn sóng đón nhận trong giới trẻ vượt sức tưởng tượng của anh. Dần dần, khách hàng đặt mua trang phục cổ của Ỷ Vân Hiên đa dạng từ sinh viên, du học sinh, đến diễn viên, người mẫu, ca sỹ, doanh nhân, rồi các nhà ngoại giao, các đại sứ…
Bằng phương thức marketing hiệu quả, hàng nghìn bộ trang phục cổ như long bào, phượng bào dành cho vua và hoàng hậu đến những trang phục cho cung tần, vương phi, quan lại, thường dân của Lộc… đã đến được với mọi tầng lớp khách hàng.
5 năm, một hành trình dài gieo mầm của chàng trai trẻ giờ đã cho “ra trái” khi mà mỗi khi nhắc đến cổ phục, nhiều người nhớ ngay đến cái tên Nguyễn Đức Lộc. Nhìn vào lượng khách đang tăng từng ngày, Lộc càng có thêm niềm tin rằng, con đường mình chọn là đúng đắn. Anh cho rằng, khi càng nhiều người mua và mặc trang phục cổ, chính là sự quảng bá, lan tỏa văn hóa truyền thống tốt nhất trong cộng đồng.
Nhiều bạn trẻ có xu hướng chụp hình trong trang phục cổ |
“Đây là minh chứng cho thấy, bạn trẻ không hề quay lưng lại với văn hóa truyền thống. Chỉ là do chúng ta chưa tìm ra cách tiếp cận, quảng bá văn hóa một cách hiệu quả mà thôi” – Lộc khẳng định.
Giới trẻ đừng lãng quên lịch sử
Nguyễn Đức Lộc bảo, trong mỗi thiết kế, anh coi trọng giá trị văn hóa lên hàng đầu và nhất quyết không chạy theo xu hướng thương mại. Trong khi kinh doanh cổ phục hiện giờ đang trở thành phong trào và được “công nghiệp hóa” từ mọi khâu thì Lộc cứ âm thầm, cần mẫn với từng đường kim, mũi chỉ, thêu tay. Phương châm số lượng trang phục ít nhưng “chất” trở thành kim chỉ nam cho Lộc và chính điều này làm nên thương hiệu của anh trong làng cổ phục.
Từng ngày, chàng trai trẻ góp nhặt, tích lũy kiến thức với niềm đau đáu để giới trẻ không lãng quên lịch sử dân tộc, và để thế giới biết đến một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. “Có những bạn học sinh cấp 3, tích góp từng đồng, đến đây đặt thiết kế một chiếc áo 5 thân, đến những Việt kiều từ xa tìm đến, các vị đại sứ mặc cổ phục trong dịp trình quốc thư tại nước sở tại… Họ chọn cách khoác lên mình những trang phục như vậy vì họ hiểu phái sau đó là cả một câu chuyện thú vị về lịch sử, về trang phục và nhiều điều xưa cũ tốt đẹp. Điều đó tạo cho tôi động lực to lớn, chứng tỏ rằng, tôi đã và đang đi đúng đường” – Lộc xúc động nói.
Cổ phục có mặt trên sàn diễn |
Chia sẻ với PV, Lộc cho biết, tương lai phải được kiến tạo từ quá khứ. Thế hệ trẻ hiện nay dù có mải mê chạy theo xu hướng nhưng nhất định phải coi văn hóa là cội nguồn.
Việt Nam từng trải qua nhiều triều đại Nguyễn, Đinh, Lý, Lê, Trần….Việc tìm đến những lễ phục xưa, đưa vào ứng dụng trong đời sống hiện đại như cưới hỏi, lễ lạt, hội hè… là cách để chúng ta làm sống lại lịch sử, hiểu sâu về văn hóa, từ đó biết cách trân trọng và gìn giữ, hun đúc lòng lòng tự hào dân tộc.