Văn hóa học đường: Bắt đầu từ việc mỉm cười, cúi chào
Tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường |
Ngay từ đầu năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT quận Long Biên đã triển khai tới các nhà trường nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa chào trong và ngoài nhà trường “Khoanh tay – Mỉm cười – Cúi chào”.
Mỉm cười cúi chào tuy chỉ là những cử chỉ nhỏ nhưng đó là những việc làm có ý nghĩa lớn. Mỗi lời chào kèm theo nụ cười không chỉ thể hiện sự tôn trọng, chân thành mà còn là một cách ứng xử, thái độ của các em học sinh trong tương lai. Điều này cũng quyết định một phần sự thành công của mỗi con người.
Gieo ý nghĩ gặt hành động...
Đó là quan niệm của cô giáo Hoàng Thị Bích Thu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên) trong việc xây dựng văn hóa chào trong và ngoài nhà trường.
Cô Hoàng Thị Bích Thu cho biết: “Từ trước tới nay, nhà trường rất quan tâm tới văn hóa ứng xử của học sinh trong nhà trường. Nhưng để những lời như: cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi… trở thành một thói quen tự nhiên của học sinh thì nhà trường, các thầy cô và gia đình cần quan tâm giúp các em rèn luyện hàng ngày, đặc biệt là vai trò của các thầy cô giáo”. |
Mục tiêu của Ban lãnh đạo trường Tiểu học Ái Mộ B hướng tới là đưa việc chào hỏi trở thành một thói quen trong học sinh. Khi triển khai, các thầy, cô đã nỗ lực từ những ngày đầu tiên. Cô giáo Phan Thị Thanh Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, trường Tiểu học Ái Mộ B cho biết: “Ngay từ khi các con đến trường, chúng tôi đã hướng dẫn các con hình thành thói quen chào hỏi. Việc này sẽ theo tiến trình từng bước một. Bắt đầu đến cổng trường học sinh chào hỏi thầy cô, các bác nhân viên, bảo vệ. Chúng tôi cũng dạy các con cách chào, nói lời cảm ơn, xin lỗi với thầy cô, bạn bè ra sao... Đặc biệt, trong mỗi bài học chúng tôi đều lồng ghép văn hoá chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi vào để giáo dục học sinh từng hành động cụ thể. Ngoài ra, giáo viên cũng quan tâm tới học sinh ở nhiều góc độ, từ đó nhận thấy các em cần điều chỉnh, thực hiện thế nào để có nếp ứng xử, giao tiếp văn minh, thanh lịch.
Học sinh trường Tiểu học Ái Mộ B chào giáo viên, nhân viên tại cổng trường |
Thầy, cô được xem là tấm gương phản chiếu để học sinh soi vào. Khi nhìn thấy các thầy, cô chào hỏi nhau bằng nụ cười cùng động tác hơi cúi đầu, học sinh sẽ nhìn và làm theo”.
Tại trường Tiểu học Ái Mộ B, các thầy, cô giáo không những coi việc giáo dục học sinh chào hỏi là một nhiệm vụ chuyên môn mà đó còn là vấn đề giáo dục. Chính vì vậy, sự chuyển hóa từ các thầy cô cũng có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ học sinh.
Giờ đây, việc thực hiện nếp chào hỏi từ bác bảo vệ đến cô lao công hay tất cả khách đến trường,… được học sinh toàn trường thực hiện như một thói quen tự nhiên. Trong mối quan hệ với các bạn trong lớp học, lời cảm ơn hay xin lỗi không còn xa lạ, ngượng ngùng nữa.
Học sinh trường Tiểu học Ái Mộ B đã quen mỗi khi gặp người lớn đều cúi chào thân thiện |
Việc triển khai văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường đã nhận về nhiều tín hiệu tích cực. “Phụ huynh phản hồi, các con về ngay từ đầu ngõ hay đến hành lang chung cư đã chào rất to “con chào cô”, “con chào bác”…”, cô giáo chủ nhiệm lớp 1A1 vui mừng chia sẻ.
Có thể thấy, trước đây, nếp chào hỏi vẫn được các trường nhắc nhở thường xuyên nhưng để thành một chuyên đề giáo dục và được thực hiện đồng bộ từ Ban Giám hiệu đến giáo viên và học sinh là điều ít thấy trong các trường.
Ở trường Tiểu học Ái Mộ B, mỗi buổi sáng hay chiều, câu chào của học sinh và câu trả lời của bác bảo vệ rất rôm rả. “Bây giờ học sinh nề nếp lắm. Các con rất ngoan, qua cửa đều khoanh tay chào bác bảo vệ, chào các cô trực ở cổng. Sáng ra, nghe các con qua đây chào, mình cũng thấy phấn khởi hơn.”, bác Hoàng Minh Ngọc, nhân viên bảo vệ trường Tiểu học Ái Mộ B hào hứng nói.
Thế nhưng, để hình thành thói quen tốt đó, các thầy cô cũng phải nỗ lực rất nhiều. Bước chân vào một môi trường mới, nhiều học sinh lớp 1 chưa tự tin, đến khi thầy cô hỏi đến cũng chưa thể trả lời được ngay. Khi đó, các thầy cô thể hiện sự thân thiện, cởi mở với các con, giúp các con không mất tự tin.
Cùng với đó, việc kết hợp với gia đình là một nhân tố giúp các em hình thành thói quen này nhanh hơn. Trong các buổi họp phụ huynh, thầy cô trao đổi những nội dung phối hợp cùng bố mẹ hướng dẫn, duy trì nếp chào hỏi cho các con.
“Tất cả nề nếp, văn hoá học đường trong đó có văn hoá chào hỏi mình cũng chuyển thành nhiệm vụ ngay từ đầu năm học và thường xuyên nắm bắt, kiểm tra. Bởi vì nếu không quan tâm mà lơ là thì đâu đó các con sẽ làm không tốt, không kịp thời uốn nắn, hướng dẫn các con thì nếp chào hỏi cũng sẽ không trở thành thói quen được.”, cô giáo Hiệu trưởng trường Tiểu học Ái Mộ B chia sẻ.
Đi đến nơi nào, lời chào đi trước…
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhiều luồng văn hóa du nhập vào nước ta. Giữa vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, văn hóa chào hỏi dường như bị xem nhẹ, nhất là với học sinh lứa tuổi teen.
Trường THCS Gia Thuỵ (Long Biên) phát động giáo viên và học sinh thực hiện văn hoá chào hỏi trong và ngoài nhà trường |
Trước thực trạng này, trường THCS Gia Thuỵ, Long Biên đã xây dựng chuyên đề và phát động văn hoá chào hỏi trong toàn trường. Theo đó, ngoài việc giáo dục dưới cờ, nhắc nhở trong các tiết sinh hoạt, nhà trường cũng lồng ghép việc này vào các môn học đạo đức, giáo dục công dân… Bên cạnh đó, nhà trường cũng phát loa hàng ngày trước giờ vào học và ra chơi, ngoài ra, trên các nền tảng mạng xã hội, website của trường đều được tuyên truyền văn hoá chào hỏi rất đậm đà.
Đến trường THCS Gia Thuỵ, điều đầu tiên mọi người có thể dễ dàng nhận thấy là 1 mảng biển rất to nội dung: Giáo viên, học sinh trường THCS Gia Thuỵ thực hiện văn hoá chào hỏi trong và ngoài nhà trường “khoanh tay, mỉm cười, cúi chào”…
Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, hiệu trưởng trường THCS Gia Thụy nhận định: “Văn hóa chào hỏi mang những giá trị tốt đẹp và nhiều ý nghĩa trong cuộc sống cũng như tương lai sau này của các em. Học sinh khi thực hiện tốt văn hoá chào hỏi sẽ tạo dựng một thói quen tốt, một thái đột tốt trong cuộc sống và công việc. Khi đạo đức tốt thì ý thức học tập tốt, kết quả học tập trong năm cũng sẽ tốt”. |
Em Bùi Hoàng Phương Linh, học sinh lớp 8A4 cho hay, giờ đây, chào hỏi trở thành một thói quen hàng ngày: “Các cô hướng dẫn chúng em hơi cúi đầu, mỉm cười khi chào các thầy cô cũng như khách tới trường. Đi đâu em cũng áp dụng điều đó, ở trường từ gặp bác bảo vệ hay cô lao công, về đến nhà gặp các cô, chú hàng xóm, em đều chào từ xa. Khi được chào hỏi, em thấy ai cũng thân thiện chào lại mình, em thấy rất vui”.
Mỉm cười chào hỏi khiến cô trò thân thiện hơn |
Với học sinh các khối lớp 8, lớp 9 - lứa tuổi đang thể hiện cái “tôi” nên việc rèn thói quen chào hỏi cần phải mềm dẻo, linh hoạt nhiều hơn từ phía các thầy cô so với khối lớp bé.
Là một giáo viên chủ nhiệm khối 8, cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương chi sẻ kinh nghiệm: “Với các bạn học sinh khối lớn, mình hay tâm sự rằng ngay cả cô gặp các con, từ rất xa, cô đã chào các con và mỉm cười, mong muốn nhận được lời chào của các con. Như vậy, khi cô đã gặp các con, nở nụ cười thì cô mong muốn các con chào. Cô mong các con nhận biết tín hiệu đó.”.
Theo cô giáo chủ nhiệm lớp 8A5, việc giáo dục cần khéo léo, mang tính định hướng, không ép buộc, gò bó mới có thể đạt hiệu quả tốt.
Chào hỏi là một cách ứng xử quan trọng nhưng thái độ chào hỏi để người khác nhận thấy sự tôn trọng, chân thành cũng là một điều mà Ban Giá hiệu trường THCS Gia Thuỵ rất chú trọng. Vì thế, trường THCS Gia Thuỵ luôn nhắc nhở học sinh khi chào cần kèm theo nụ cười tươi. “Việc chào hỏi trong nhà trường hiện nay diễn ra rất thoải mái, tự nhiên, chào nhau để tạo niềm vui và thân thiện. Vì thế khi chào kèm theo 1 nụ cười. Mỉm cười cúi chào nhau khiến cho học sinh thấy thân thiện, giáo viên thêm vui vẻ và nhiều năng lượng làm việc”. cô giáo Lương Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A9 chia sẻ.
Một lớp học của trường THCS Gia Thuỵ chào cô giáo khi cô vào lớp dạy học |
Có thể thấy, văn hóa chào hỏi rất quan trọng, ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào những câu chào hỏi cùng nụ cười thân thiện sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh trên những chặng đường mà các em sẽ đi qua
Lời chào chẳng mất tiền mua, nhưng nhờ nó, chúng ta được sự kính trọng, được những yêu thương và luôn luôn thấy cuộc sống đầy ý nghĩa.