Cấp room tín dụng lần đầu năm 2023 cho 8 ngân hàng thương mại
Theo đó, HDBank được cấp room là 11%, giảm so với 15% của năm 2022; ACB được cấp room tín dụng là 9,8%, so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5%, so với năm ngoái là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn so với năm 2022 là 11,5%; VPBank và MB cùng ở tỷ lệ là 9% so với năm trước là 15%.
Trong khi đó, BIDV được nhận hạn mức thấp nhất với 8,3%, giảm so với 10% của năm 2022. Còn MSB là 13,5% cao hơn so với năm trước là 9,5%.
NHNN cho biết, các con số trên cơ bản là đúng, một vài số liệu được làm tròn. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thông báo riêng cho từng ngân hàng và quản lý theo “thông tin nội bộ”.
Ảnh minh họa |
NHNN cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, NHNN cũng sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.
Cũng theo NHNN, việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung), tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường….
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, cơ quan này thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.