Cánh cửa đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế
Bia Saigon không ngừng lan tỏa giá trị của thương hiệu Việt |
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), đa số sản phẩm Việt, nhất là nông sản, đang phải dựa vào thương hiệu của các quốc gia khác để xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc hàng hóa Việt không ổn định về thị phần và lệ thuộc vào các đối tác quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu truyền thống sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu lại ở dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Đối tác nước ngoài sau khi thu mua sẽ tiến hành chế biến, đóng gói và gắn thương hiệu của họ. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Đơn cử, cà phê Việt Nam là một trong những loại cà phê nổi tiếng thế giới, nhưng rất ít người tiêu dùng quốc tế biết rằng họ đang uống cà phê xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói.
Thay vào đó, họ biết đến các thương hiệu cà phê từ các quốc gia như Mỹ (Starbucks) hoặc Thụy Sĩ (Nestlé), trong khi nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Việt Nam. Nestlé hiện là nhà đối tác mua cà phê nhiều nhất của Việt Nam, khoảng 25-30% sản lượng.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với sản lượng và chất lượng cà phê cao, nhưng hiện nay chưa có thương hiệu cà phê Việt nào lọt vào danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt cho khách hàng trên khắp thế giới |
Hay như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là đồ gốm sứ và hàng dệt may. Việt Nam có truyền thống lâu đời trong sản xuất đồ gốm sứ và là một trong những nước xuất khẩu đồ gốm sứ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam ở dạng phôi gốm, chưa qua trang trí, vẽ men và nung….
Nhiều sản phẩm này được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Châu Âu và sau đó được bán dưới tên thương hiệu của các nước này. Người tiêu dùng quốc tế thường không biết rằng những sản phẩm họ mua là từ Việt Nam, nơi có truyền thống lâu đời và kỹ thuật tinh xảo trong việc sản xuất các mặt hàng này.
Trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, rất nhiều sản phẩm như hạt điều, tiêu đen và các loại gia vị khác từ Việt Nam được bán dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Vì thế, người tiêu dùng quốc tế thậm chí còn không biết họ đang sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Điều này làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt và tạo ra giá trị gia tăng từ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Tuy vậy, số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Việt đang bắt đầu ngày càng tăng lên nhanh chóng ở các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Etsy, Alibaba...
Trong vòng 12 tháng tính đến đầu tháng 9/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt cho khách hàng trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%, với hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu.
Số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Việt đang bắt đầu ngày càng tăng lên nhanh chóng ở các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Etsy, Alibaba... |
Để hỗ trợ đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới và các đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình vận hành triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử - Go Export.
Đây là một trong những giải pháp thiết thực để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia chương trình và nhận tư vấn thông qua website Goexport.vn.
Sau khi trao đổi và tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, đội ngũ vận hành giải pháp của Go Export nhận thấy một số doanh nghiệp đã xuất khẩu qua các kênh truyền thống. Và thông thường, các đối tác nước ngoài sẽ mua sản phẩm hoặc nguyên liệu từ các doanh nghiệp Việt Nam, sau đó đóng gói dưới tên thương hiệu của mình. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các đối tác này và trong một số trường hợp, doanh nghiệp Việt còn bị ép giá thấp hơn so với các đợt xuất khẩu trước đó.
Một số doanh nghiệp trong quá trình trao đổi với chương trình, thể hiện mong muốn đưa được sản phẩm mang thương hiệu của chính doanh nghiệp mình đi ra thị trường quốc tế nhưng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.
Một vấn đề nữa là các nhà sản xuất truyền thống hoặc chủ thương hiệu tại Việt Nam thường có năng lực sản xuất tốt nhưng thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến. Họ chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trong nước thông qua các phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, khi bước vào thị trường trực tuyến và thâm nhập các thị trường quốc tế như Mỹ và Châu Âu, cách làm thương hiệu phải thay đổi. Để thành công, các doanh nghiệp cần hiểu rõ cách kể câu chuyện thương hiệu của mình và áp dụng các công cụ số. Giải pháp từ đội ngũ chuyên gia của Go Export có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, lên kế hoạch các chương trình khuyến mãi trên môi trường trực tuyến và tìm hiểu nhu cầu thị trường một cách bài bản và dài hạn.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường một cách hiệu quả. Bằng cách tận dụng các công cụ tiếp thị số và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể xây dựng lòng tin và tạo dựng uy tín cho thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Đây thực sự là một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam để khẳng định vị thế và nâng cao giá trị sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu.