Cảnh báo 1.200 hồ, đập mất an toàn
Hà Nội triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ |
Sáng 17/8, tại TP Hà Nội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội (QH) tổ chức hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập". Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển chủ trì hội nghị.
Nhiều hồ quá nên duy tu không kịp
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban KH-CN-MT, trong tổng số gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, có hơn 1.000 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp và 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất cao.
Báo cáo nêu rõ mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn còn nhiều hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Điển hình, ở Thanh Hóa còn 50% số hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình có 544 hồ chứa thì 192 hồ hư hỏng, xuống cấp.
Cùng với nguy cơ mất an toàn hồ, đập, tại hội nghị, nhiều đại biểu (ĐB) QH đặt vấn đề trách nhiệm quản lý, điều tiết xả lũ hồ, đập. Ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, dẫn ra tình trạng một số hồ chứa xả nước gây ngập lụt cho vùng hạ du. Khi xảy ra thiệt hại về người và tài sản mới tổ chức cứu hộ, cứu nạn, rồi vận động quyên góp, hỗ trợ người chết... ĐB Mai Sỹ Diến đề nghị Bộ Công Thương giải trình trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ
Thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết Bộ Công Thương (cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển các dự án thủy điện) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các địa phương, chủ hồ đập để lập bản đồ quy hoạch ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa thủy điện.
Theo ông Vượng, cả nước có 429 công trình thủy điện, tổng dung tích trữ nước các hồ chứa thủy điện là 56 tỉ m3/70 tỉ m3 nước ở các hồ chứa (chiếm khoảng 86%). Nếu vận hành tốt các hồ chứa thủy điện này thì sẽ giúp cắt giảm lũ trong mùa mưa lũ và bảo đảm nguồn nước trong mùa hạn. Còn nếu vận hành không tốt, sẽ nảy sinh những rủi ro rất lớn cho an toàn vùng hạ du.
"Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do mưa lớn, lũ về nhiều nên để bảo đảm an toàn hồ, đập thì phải xả lũ, gây ra ngập lụt phía hạ du. Điều này trong một số trường hợp chúng ta phải chấp nhận" - ông Vượng nói.
Cần có nghị quyết về an ninh nguồn nước
Về vấn đề an ninh nguồn nước, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT, nhấn mạnh đây là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết. Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, QH đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng chống thiên tai...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam không thuộc nhóm giàu tài nguyên nước và đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước. Tổng dung tích hồ, đập trữ nước của nước ta hiện khoảng 70,5 tỉ m3, dung tích chứa tính trên đầu người bình quân chỉ khoảng 440 m3. Năng lực cơ sở hạ tầng của chúng ta mới chỉ đáp ứng để khai thác, sử dụng được khoảng 81 tỉ m3/năm (chiếm khoảng 10% lượng nước mặt) cho tất cả nhu cầu về sử dụng nước. Trong đó, trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp, khoảng 65 tỉ m3/năm.
Bên cạnh đó, việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông triển khai đầu tư xây dựng hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, tác động tiêu cực và dự báo gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, việc khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức đã gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún đất, đặc biệt là vùng ĐBSCL...
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói giải quyết an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa mục tiêu, liên ngành. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lại toàn diện các lưu vực sông để có giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước một cách hiệu quả, xây dựng các "kho" chứa, trữ nước lớn cho các vùng khan hiếm nước.
Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề và thực tiễn đặt ra, Bộ NN-PTNT đề xuất Ủy ban Thường vụ QH nghiên cứu trình QH ban hành Nghị quyết về "An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước" làm cơ sở để Chính phủ và các địa phương triển khai thực hiện.
Ô nhiễm trên các sông quanh Hà Nội khó giải quyết
Trả lời câu hỏi của một số ĐBQH về vấn đề ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông ở miền Bắc như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Tô Lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đối với khu vực sông Nhuệ, sông Đáy, 70% ô nhiễm môi trường là do nước thải sinh hoạt ở các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam... chưa được xử lý, trong đó ở Hà Nội chiếm đến 2/3. Lượng nước thải sinh hoạt được xử lý hiện nay chỉ khoảng 20%-30%; trong khi phần lớn nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được xử lý.
TP Hà Nội đang tập trung đầu tư xây dựng công trình để thu gom toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt và xử lý tập trung nhưng đến năm 2023 mới có thể hoàn thành.