Cần tính toán mức giá điện phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư năng lượng tái tạo

Theo ý kiến của chuyên gia, Bộ Công thương cần tính toán mức giá điện phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo...
Còn bất cập trong cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo gây lãng phí nguồn lực Còn 13 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa nộp hồ sơ đàm phán giá Công ty Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ bị phạt do chậm công bố thông tin trái phiếu

Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ngày một gia tăng. Điều này cũng chính là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt không đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Do vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam.

Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước nhưng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật.

Để tháo gỡ các vấn đề này, theo nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ và cơ chế giá điện phù hợp…

Các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ tài chính, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư từ chính sách về thuế, giá điện; khuyến khích sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành năng lượng tái tạo để phát triển chuỗi cung ứng trong nước.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, giá bán ưu đãi (FIT) là cơ chế chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tăng khả năng cạnh tranh của các nguồn này so với các nguồn năng lượng truyền thống.

Cần tính toán mức giá điện phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư năng lượng tái tạo
Cần có sự hỗ trợ tài chính, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư từ chính sách về thuế, giá điện

Theo TS Nguyễn Hoàng Lan, tại Việt Nam, giá FIT tồn tại đối với điện từ năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Đối với các dự án năng lượng mặt trời, FIT được ấn định ở mức 7,69 US$ cent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi, 7,09 US$ cent/kWh hoặc dự án điện mặt trời gắn trên mặt đất và 8,38 US$ cent/kWh đối với dự án điện mặt trời mái nhà (năm 2020).

Đối với dự án năng lượng gió, FIT là 8,5 US$ cent/kWh đối với các dự án ngoài khơi và 9,8 US$ cent/kWh đối với các dự án trên đất liền. Đối với nhà máy nhiệt điện kết hợp sử dụng sinh khối, FIT là 7,03 cent US$/kWh và đối với các dự án phát điện không thuộc nhà máy nhiệt điện kết hợp, FIT được ấn định ở mức 8,47 cent US$/kWh.

Theo bà Lan, gia FIT cao cho năng lượng mặt trời đã mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, giá FIT tương đối thấp cho năng lượng gió ở Việt Nam là lý do khiến các khoản đầu tư vào công nghệ này bị hạn chế.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương đã đề xuất giá FIT điện gió mới là 10 US$ cent/kWh đối với điện gió trên bờ và 11 US$ cent/kWh đối với điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, sau hạn ngày 31/12/2020 (đối với điện mặt trời) và ngày 31/10/2021 (đối với điện gió), không có cơ chế giá FIT mới được ban hành nên việc đầu tư cho các dự án điện gió, điện mặt trời có tính bất định cao đối với chủ đầu tư.

Sau đó, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ chuyển sang cơ chế đầu thầu đối với xác định giá điện mua từ các dự án điện gió và điện mặt trời.

Theo TS Nguyễn Hoàng Lan, trong xu thế thay dần các dạng năng lượng hóa thạch sang dạng năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cần tính toán mức giá điện để phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Đồng quan điểm, theo PGS. TS Bùi Xuân Thông - Viện Hải văn và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), để bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hạ tầng cơ sở gây ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác,…) và thực hiện dự trữ năng lượng, tạo thị trường cho năng lượng tái tạo. Đặc biệt, nhằm triển khai tốt việc phát triển năng lượng tái tạo thì cần thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, sau giai đoạn bùng nổ công suất với chính sách giá FIT, nâng tổng tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo từ mức 9% 2019 lên 27% tổng công suất trong 2022, giai đoạn phát triển tiếp theo của nguồn điện đang gặp nhiều thách thức.

Theo đó, việc chính sách giá FIT đã chính thức hết hiệu lực từ tháng 11/2021, hiện tại nhà đầu tư điện gió đã chờ đợi hơn một năm nhưng vẫn chưa thể phát triển thêm dự án mới, chủ yếu do chưa có tin hiệu rõ ràng về thời gian ban hành chính sách giá mới cho năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh tắc nghẽn nhiều mặt, ngày 7/1/2023, Bộ Công thương ban hành khung giá chuyển tiếp cho các dự án điện mặt trời, điện gió.

Cụ thể, mức giá mới cho điện mặt trời vào khoảng 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với giá FIT 2. Mặt khác, giá điện gió trên bờ và gần bờ đều giảm khoảng 21% xuống 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù khung giá mới là dấu hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo chuyển tiếp khi các dự án của họ không được khai thác trong một thời gian dài kể từ khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không dự án nào có khả năng sinh lời tốt.

Hậu Lộc
Phiên bản di động