Chuyên gia Lê Thị Hằng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội

Cần lan tỏa rộng rãi thông điệp “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn”

Sáng 25/11, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tổ chức Hội thảo “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn” với sự tham gia của chuyên gia Lê Thị Hằng, Trưởng Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Hội thảo đã kết nối đến các Chi đoàn, Huyện đoàn trong thành phố và nhiều địa phương trên cả nước.
Thanh niên tiên phong xây dựng thói quen sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm Chương Mỹ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú 62 trường học Bài 3: Hà Nội vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Bốn nguyên tắc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn đang theo dõi trực tiếp tại hội trường và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Bạn Tô Gia Bảo, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi tìm hiểu thêm về những kiến thức cơ bản nhất về thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm… Còn bạn Lê Diệu Linh, học sinh trường THPT Việt Đức băn khoăn về nguyên tắc trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Cần phải lan toả rộng thông điệp “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn”
Chuyên gia Lê Thị Hằng (áo vàng), Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Trong khoản 20, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm đã có quy định khái niệm về thực phẩm là gì. Cụ thể, khái niệm về thực phẩm trong Luật An toàn thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm...".

Đoàn viên, thanh niên tham dự hội thảo
Đoàn viên đặt câu hỏi tại hội thảo

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cũng quy định rất rõ về nguyên tắc công tác quản lý an toàn thực phẩm. Chính phủ giao cho 3 bộ, ngành thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. là: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Như vậy, mỗi bộ, ngành sẽ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Ngộ độc thực phẩm là tác nhân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần thực hiện 4 nguyên tắc: Nguồn gốc thực phẩm đảm bảo; Yếu tố con người trong quá trình sơ chế, chế biến; Vệ sinh thực phẩm; Vệ sinh môi trường.

“Khi đảm bảo được bốn yếu tố đó thì chúng ta sẽ cung cấp được thực phẩm an toàn”, bà Hằng nhấn mạnh.

Hà Nội đạt hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm

Ngoài câu hỏi của các đoàn viên, thanh niên có mặt trực tiếp tại hội thảo, nhiều bạn từ các tỉnh, thành phố cũng hào hứng đặt câu hỏi đến Ban Tổ chức qua nền tảng trực tuyến.

Một đoàn viên từ TP Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi trực tuyến: “Tôi là công dân TP Hồ Chí Minh chưa được ra thăm Thủ đô Hà Nội. Dự kiến dịp cuối năm này tôi sẽ ra tham quan và thưởng thức ẩm thực Hà thành. Ban Tổ chức có thể cho biết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã và đang được triển khai như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia Lê Thị Hằng cho biết, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đầu nối của cả nước; Là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện chính trị trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có rất nhiều các làng nghề truyền thống; Ẩm thực của Hà Nội với nhiều nét riêng cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch tới thành phố.

Do vậy, công tác an toàn thực phẩm luôn đòi hỏi phải quyết liệt hơn. Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã triển khai quyết liệt về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và được triển khai đồng bộ tới 30 quận, huyện trên địa bàn. Thành phố luôn kịp thời có các các văn bản chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và tập trung vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, Tết Trung thu, Tháng hành động về an toàn thực phẩm và các thời gian trọng điểm khác.

Đoàn viên, thanh niên tham dự hội thảo
Đoàn viên, thanh niên tham dự hội thảo

Các đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề an toàn thực phẩm tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Đặc biệt là xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, phạt hành chính và đưa lên các cái phương tiện thông tin hướng nhằm răn đe và cảnh báo cho người tiêu dùng.

Ngoài công tác kiểm tra, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cũng tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường.

Song song với đó, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao thực hành về an toàn thực phẩm đối với người chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dung cũng luôn được cơ quan chức năng chuyên môn tổ chức đồng bộ.

Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, trong đó có báo Tuổi trẻ Thủ đô thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Đoàn viên Nguyễn Thị Hồng Phương (phường Hàng Bạc, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Cuối năm, vấn đề an toàn thực phẩm lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Vì vậy, các ngành chức năng cần phải làm gì để người dân yên tâm hơn, đừng để vừa ăn Tết vừa ăn “nhầm” thực phẩm kém chất lượng?”.

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Hằng cho biết: “Khi chúng tôi làm công tác tuyên truyền, chúng tôi có câu “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, ăn uống không đảm bảo chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta. Do đó, chúng tôi khuyến cáo với người tiêu dùng: Phải tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trong dịp tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra. Thành phố yêu cầu quận, huyện đưa ra tiêu chí và đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử.

Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng tiến hành lấy mẫu thực phẩm ngoài thị trường cũng như lấy mẫu thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để phát hiện, xét nghiệm, đánh giá nguy cơ nhằm mục địch cảnh báo trong cộng đồng. Nhiều năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội luôn được thành phố và Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao.

Đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng, bà Hằng chia sẻ: “Trong dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm bao gói sẵn, bia rượu, nước giải khát cũng tăng mạnh. Do đó, người tiêu dùng phải có kiến thức cơ bản, biết cách lựa chọn như thế nào, địa chỉ sản xuất rõ ràng…

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm in bao bì rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng rồi hướng dẫn và sử dụng thực phẩm, thành phần, khối lượng… Đó là những cái tiêu chí mà lựa chọn thực phẩm đóng gói sẵn”.

Đánh giá cao sự quan tâm của các bạn trẻ về an toàn thực phẩm, chuyên gia Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh, tuy được tổ chức trên địa bàn Hà Nội nhưng hội thảo đã triển khai tương tác đối với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này sẽ góp phần lan tỏa thông điệp “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn”.

Phương Thu; Ảnh: Hoàng Duy
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động