Cán bộ thiếu trách nhiệm chống dịch tả lợn châu Phi có thể bị xử lý hình sự

Việc các lãnh đạo địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý và phòng dịch tả lợn Châu Phi thì có bị truy cứu trách nhiệm không?Tuổi trẻ và Pháp luật đã trao đổi dưới góc nhìn pháp lý với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
Dịch tả lợn châu Phi ngày càng lan rộng ở Yên Bái Phát hiện xe tải chở lợn chết nhiễm dịch tả châu Phi vẫn đem đi bán

Phóng viên: Thưa Luật sư Nhâm Mạnh Hà, việc các lãnh đạo địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý và phòng dịch tả lợn Châu Phi thì có bị truy cứu trách nhiệm không?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà:

Khi địa phương để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi có một nguyên nhân rất lớn là do sự lơ là chủ quan với bệnh dịch của các cán bộ, công chức có trách nhiệm. Thể hiện qua việc họ chưa chủ động giám sát, nắm bắt thông tin nên dẫn đến việc chưa nắm sát tình hình bệnh dịch dẫn đến việc không có những quyết sách, biện pháp để ngăn ngừa và xử lý kịp thời. Thậm chí có những cán bộ, công chức còn chủ quan, coi nhẹ trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh hay triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh không đúng quy cách, chỉ đạo của cấp trên.

can bo thieu trach nhiem chong dich ta lon chau phi co the bi xu ly hinh su
Luật sư Nhâm Mạnh Hà nói về việc cán bộ thiếu trách nhiệm chống dịch tả lợn châu Phi

Cán bộ, công chức là một chủ thể đặc biệt nên bên canh việc họ chịu sự điều chỉnh của luật cán bộ, công chức thì họ còn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật có liên quan. Pháp luật đã có những chế tài để xử lý cán bộ, công chức khi thiếu tinh thần trách nhiệm, có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nói chung và có thể áp dụng để xử lý đối với cán bộ, công chức địa phương là người có nhiệm vụ về việc quản lý và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nhưng thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý nói riêng. Tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm họ có thể bị xử lý kỷ luật theo luật cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội đó, cụ thể:

Thứ nhất, về xử lý kỷ luật theo luật cán bộ, công chức, theo quy định tại Điều 78 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ có hành vi vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm.

Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về các hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì cán bộ, công chức địa phương là người có nhiệm vụ về việc quản lý và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật vi phạm hành chính trên.

Thứ hai, về xử lý hình sự, căn cứ Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì các yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bao gồm:

Về khách thể của tội phạm: Là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, hoạt động được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan, tổ chức đó.

Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi không thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi thực hiện không đúng những công việc thuộc chức năng, nhiệm của mình gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp thiệt hại do hành vi phạm tôi gây ra là thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và thiệt hại do hành vi phạm tôi gây ra.

Về chủ thể của tội phạm: Là người từ đủ 16 tuổi trở lên và là người có chức vụ, quyền hạn; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện với lỗi vô ý.

Như vậy, trường hợp người có chức vụ, quyền hạn; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong việc quản lý và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi do không thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc thực hiện không đúng những công việc thuộc chức năng, nhiệm của mình gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy mức độ nghiêm trọng của hậu quả gây ra thì họ có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

An Khê
Phiên bản di động