Cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn: Bộ Tư pháp nói gì?

Theo đại diện Bộ Tư pháp, việc cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.
Vẫn còn tranh luận về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn Cơ quan thẩm tra đề nghị cấm tuyết đối lái xe có nồng độ cồn

Theo bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính (Bộ Tư pháp), quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Bà Lê Thị Vân Anh cho rằng, việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có quy định nghiêm cấm điều khiển giao thông khi trong máu có nồng độ cồn.

"Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu để hài hòa giữa lợi ích người dân cũng như hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn giao thông để có quy định phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật", bà Lê Thị Vân Anh chia sẻ.

Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cũng đã có những ý kiến tranh luận về quy định "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe" tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Liên quan vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra) dự án luật đã đưa ra 2 phương án.

Cụ thể, đối với phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Đối với phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn: Bộ Tư pháp nói gì?
Ảnh minh họa.

Nêu quan điểm ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình) cho rằng quy định này không phải là mới, mà chỉ kế thừa quy định đang có hiệu lực tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo bà Nguyễn Minh Tâm, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do hành vi đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây ra.

Tuy nhiên, bà Tâm cũng cho rằng, thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân; hơn nữa các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia, cũng đã góp một phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước; tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Do đó, việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.

Trên cơ sở đó, để thuyết phục hơn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này.

Bà Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị cần nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra “ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Tạo (đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng) cho biết, vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông cũng như nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Theo ông, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cho rằng việc quy định cấm nồng độ cồn như tại dự thảo là phù hợp và cần thiết, tuy nhiên, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đầy đủ và có báo cáo đánh gía tác động đối với trường hợp nồng độ cồn nội sinh. Từ đó, tăng cường công tác tuyên truyền phù hợp để toàn xã hội nắm rõ, hiểu rõ và chấp hành quy định của pháp luật, đồng thời cần xác định lộ trình thực hiện áp dụng mức xử phạt cho phù hợp.

Khác quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án 2, nghĩa là cần có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.

Ông Hòa lấy dẫn chứng ngay với bản thân mình, cho biết: "Nếu uống một cốc bia hoặc một cốc rượu, không biết người khác sao chứ tôi tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt. Uống một cốc bia mà tâm trí không tỉnh táo để lái xe là không chuẩn".

Đại biểu đoàn Đồng Tháp khẳng định hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng việc uống ngày hôm trước mà đến sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị cảnh sát giao thông phạt thì vô lý. Do đó, ông Hòa đề nghị Quốc hội xem xét tính toán cụ thể về ngưỡng nồng độ cồn để có mức xử phạt hợp lý.

Tương tự, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết bà không ủng hộ việc đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng việc quy định nồng độ cồn bằng 0 khác với việc cấm người đã sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe.

Theo bà Phúc, ngoài rượu bia thì còn một số loại nước hoa quả dù không phải rượu bia nhưng vào cơ thể sẽ khiến nồng độ cồn không bằng 0 nữa. Do đó, đại biểu cho rằng nên cân nhắc kỹ càng, không nên quy định nồng độ bằng 0.

Hậu Lộc
Phiên bản di động