Cải cách chính sách tiền lương sẽ có nhiều điểm mới

Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở...
Thủ tướng yêu cầu sớm báo cáo lộ trình cải cách tiền lương, đề xuất tăng lương tối thiểu Chưa thống nhất tăng lương tối thiểu năm 2024

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 8 dự án luật.

Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ thảo luận kỹ về vấn đề bảo hiểm xã hội và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, trọng tâm là công tác cải cách chính sách tiền lương.

Theo Bộ trưởng, năm 2018, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai nghị quyết đều đang được hiện thực hóa vào cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bỏ việc vì lương thấp.

Do đó, để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân, ngày 1/7/2023, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

“Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cải cách chính sách tiền lương sẽ có nhiều điểm mới
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới gồm: Bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang...

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thời điểm cải cách tiền lương có thể áp dụng ngay từ 1/7/2024 này nếu không có gì thay đổi.

Cải cách chính sách tiền lương sẽ có nhiều điểm mới

Theo tìm hiểu, Việt Nam đã có 4 lần cải cách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003.

Theo Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 của Bộ Chính trị, lộ trình cải cách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính cùng tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, đặc điểm nổi bật của cải cách tiền lương là bỏ cách tính lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay đang áp dụng. Thay vào đó, sẽ ban hành các bảng lương mới bằng số tiền cụ thể.

Đồng thời, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương đảm bảo bảng lương cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được cấu tạo:

Lương cơ sở (chiếm tỷ lệ 70% trong tổng quỹ lương của các đối tượng này) và các khoản phụ cấp khác (chiếm tỷ lệ 30% còn lại trong tổng quỹ lương). Ngoài ra, bổ sung tiền thưởng (chiếm khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Khi thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương mới mặc dù theo số tiền cụ thể nhưng đảm bảo chuyển xếp lương cũ sang lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Bảng lương mới ngoài xây dựng theo số tiền cụ thể còn căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh cũng như chức vụ lãnh đạo của người đó.

Theo Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 về phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương.

Đồng thời, Bộ Nội vụ sớm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động