Bộ Văn hóa: Dừng tổ chức cướp phết ở Hiền Quan là đúng!
Việc đưa ra mệnh lệnh hành chính như trên đang gây ra nhiều tranh cãi. Liệu đây có phải cách ứng xử phù hợp với một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, chứa đựng ý nghĩa tinh thần với người dân ở địa phương? Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch - về vấn đề này.
Ngày 17/2, Ban tổ chức "lễ hội cướp phết Hiền Quan" năm 2019 đã dừng tổ chức màn cướp phết do vẫn xảy ra tình trạng hỗn loạn. Bộ VHTTDL có quan điểm ra sao về sự việc này?
- Theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, thẩm quyền cho phép tổ chức Lễ hội cướp phết Hiền Quan là do chính quyền địa phương quyết định, sau khi có hồ sơ thông báo hoặc đăng ký.
Việc quyết định cho tạm dừng của chính quyền địa phương do không đảm bảo trật tự an toàn cho người dân, không thực hiện được quy chế của lễ hội là đúng thẩm quyền và tuân thủ Nghị định của Chính phủ.
Bộ đánh giá cao sự kiên quyết và trách nhiệm quản lý hoạt động lễ hội của địa phương. Trong tình huống này, khi cân nhắc và quyết định thì yếu tố phải đảm bảo sự an toàn cho người dân đã được chính quyền địa phương coi trọng hàng đầu.
Tuy nhiên, việc dừng màn cướp phết khiến người dân làng Hiền Quan không đồng tình, thậm chí bức xúc. Họ cho rằng không còn màn cướp phết thì mất hết ý nghĩa của lễ hội. Theo ông, nên làm gì để hài hòa giữa ý nguyện của người dân với mong muốn tổ chức lễ hội văn minh, không còn bạo lực?
- Trên thực tế, chỉ một nhóm thanh niên quá khích gây rối tại trước cửa Đền sau khi phần nghi lễ linh thiêng được thực hiện. Người dân làng Hiền Quan cũng đã cơ bản thống nhất và ủng hộ với quyết định của chính quyền là tạm dừng phần đánh phết để đảm bảo trật tự, an toàn tính mạng cho người dân.
Ý nghĩa của lễ hội cướp phết Hiền Quan thể hiện cơ bản ở phần tế lễ và các nghi lễ truyền thống. Đánh phết là một phần trong phần hội, vì vậy nếu tổ chức không an toàn cho người dân thì sẽ mất ý nghĩa của lễ hội.
Người phát ngôn Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình.
Tôi nghĩ, muốn có một lễ hội văn minh, không bạo lực cần phải có giải pháp nhằm khắc phục những hiện tượng phản cảm đó.
Cụ thể, địa phương phải đổi mới phương thức đánh phết, có các phương án để đảm bảo trật tự an toàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về giá trị truyền thống của lễ hội.
Theo ghi nhận của địa phương, việc đánh phết là ý nghĩa rèn quân, thể hiện sức mạnh của quân binh chứ không phải như ngày nay cho rằng ai lấy được quả phết là may mắn.
Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu dừng cướp phết tại lễ hội ở làng Hiền Quan là cách quản lý theo kiểu “không quản được thì cấm”. Theo ông, cách ứng xử như thế với một lễ hội truyền thống đã phù hợp chưa?
- Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm nào quy định cấm tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, còn có nhiều chủ trương yêu cầu phải có giải pháp để cho người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ những lễ hội, để qua đó hun đúc lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc.
Bên cạnh việc tạo ra những hành lang pháp lý cho các hoạt động lễ hội phát triển, thì còn có những chính sách bảo tồn các lễ hội truyền thống, khuyến khích người dân tham gia lễ hội với cách hành xử văn minh, lịch sự, qua đó góp phần xây dựng nhân cách hướng thiện của con người.
Đồng thời, công tác tuyên truyền về lễ hội cũng cần thông tin đầy đủ, đúng mực, khách quan - sẽ là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần giúp người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của các lễ hội truyền thống.
Chúng tôi cho rằng, dù bất cứ một hoạt động nào mang tính chất cộng đồng thì luôn phải có sự định hướng, quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động đó phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội và con người.