Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm đủ 2 mũi vắc xin, không bắt buộc cách ly tập trung
Đảm bảo công bằng trong phân bổ vắc xin
Đại biểu Đặng Hồng Sĩ (đoàn Bình Thuận) nêu câu hỏi: Hiện nay nhiều người dân trên 18 tuổi chưa được tiếp cận mũi 1 vắc xin trong khi một số địa phương đã tiêm cho trẻ em, thậm chí triển khai mũi 3. Đại biểu đặt câu hỏi, nguyên tắc phân bổ vắc xin như thế nào?
Đại biểu Đặng Hồng Sĩ (đoàn Bình Thuận) |
Trả lời đại biểu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, nguyên tắc phân bổ vắc xin dựa trên Nghị quyết 21, có địa bàn, đối tượng ưu tiên; Tập trung phân bổ cho tỉnh, thành có dịch phức tạp, tỉnh thành có nguy cơ cao, khu công nghiệp đông, đầu tàu kinh tế, mật độ dân số đông.
Trên cơ sở đó, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp các địa phương phân bổ vắc xin và có chiến lược tiêm theo từng cấp độ, đối tượng; Yêu cầu các địa phương trong tháng 10 phải phủ cho được người trên 65 tuổi.
Một số địa phương bắt đầu tiêm trẻ em 12-17 tuổi, 2 tuần đầu tháng 11 triển khai ở địa bàn trọng điểm, trong tháng triển khai các địa phương còn lại, theo nguyên tắc tuổi lớn tiêm trước, tuổi nhỏ tiêm sau.
Về mũi 3, phải đảm bảo nguyên tắc phủ mũi 1, trả mũi 2, rồi mới tiến hành mũi 3 ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Chung mối quan tâm, đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu, để triển khai chiến lược tiêm vắc xin đảm bảo công bằng.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, thời gian qua chiến lược vắc xin rất thành công, đồng bộ. Thời điểm này, Việt Nam đã mua, nhập khẩu, thỏa thuận gần 200 triệu liều, những ngày tới có thể lên hơn nữa, cần thúc đẩy chiến lược ngoại giao vắc xin, làm sao tăng lượng vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất.
Theo quan điểm chung, các địa phương phải đẩy nhanh phủ mũi 1, đồng thời tiêm trả mũi 2. Lượng vắc xin về hoàn toàn đảm bảo đủ cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi, cho 12-17 tuổi tiêm đủ 2 mũi.
"Cuối năm nay mới có kế hoạch tiêm mũi 3. Một vài địa phương tuyên bố tiêm mũi 3, tôi đề nghị phải theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế, đảm bảo công bằng trong phân bổ vắc xin", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin, không bắt buộc cách ly tập trung
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi: Nhiều cử tri sống ở chung cư lo lắng về việc là F1 bắt buộc phải đi cách ly mà không xem cụ thể các điều kiện như đã tiêm 2 liều vắc xin, đã đeo khẩu trang, khi họ chỉ đi thang máy tiếp xúc với F0 chỉ 10 giây. Họ có đủ điều kiện để cách ly tại căn hộ và cam kết tự cách ly, việc này gây lãng phí nguồn lực, nguy cơ lây nhiễm chéo, không phù hợp với thực tế. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề này Bộ Y tế đã có hướng dẫn, với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đã khỏi bệnh thì chỉ cần theo dõi sức khỏe 7 ngày, với người tiêm 1 mũi thì cách ly tại nhà 7 ngày, với người chưa được tiêm mũi nào thì về phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn |
Tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện của địa phương, tùy mức độ dịch, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn chống dịch có mật độ dân cư cao, chưa tiêm vắc xin thì cố gắng cách ly linh hoạt để đảm bảo an toàn. "Trường hợp này áp dụng cụ thể với chung cư rất đông người, tiêm chủng chưa có thì áp dụng cách ly tập trung, tại nhà, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chưa bằng lòng với câu trả lời, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tiếp tục hỏi lại: Nhiều cử tri hỏi vấn đề cụ thể trong chung cư là người đã tiêm đủ 2 mũi, đeo khẩu trang, không tiếp xúc nhưng đi chung thang máy cùng F0 có điều kiện cách ly tại căn hộ thì có bắt buộc đưa họ đi cách ly hay không?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Việc này đã xảy ra với một số địa phương, ngay cả với TP Hà Nội. Với trường hợp này không bắt buộc cách ly tập trung 14 này, trong hướng dẫn của Bộ cũng nêu rõ, chỉ cách ly tại nhà 7 ngày. Bộ đề nghị các địa phương áp dụng làm sao thống nhất trong thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Không yêu cầu xét nghiệm ở vùng cấp độ dịch tương đồng với nhau
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu câu hỏi về thời gian yêu cầu xét nghiệm, xét nghiệm lại. Cụ thể, một số địa phương yêu cầu phải xét nghiệm trong 72 tiếng, có nơi 48, thậm chí 24 tiếng. Một lái xe 1 tuần xét nghiệm 3 lần, vừa tốn kém vừa mất thời gian.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Với các bệnh truyền nhiễm nói chung và Covid-19 nói riêng chỉ có xét nghiệm mới phát hiện có nhiễm hay không. 80% người nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Đây là lý do tại sao WHO liên tục khuyến cáo các quốc gia xét nghiệm. Các nước cũng thực hiện như vậy. Thời gian giá trị xét nghiệm rất khác nhau giữa các nước, cơ bản lấy mốc 72 giờ khi người nhập cảnh hay ra nước ngoài.
Về tần suất trước đó, Bộ đã có hướng dẫn chỉ người đi về từ vùng dịch (cách ly, phong tỏa) thì mới xét nghiệm, không xét nghiệm ở vùng cấp độ dịch tương đồng với nhau. Cụ thể người đi lại trong 19 tỉnh phía Nam thì không phải xét nghiệm nhưng đi ra khu vực khác phải xét nghiệm. Một số nơi áp dụng lấy mốc 72 giờ có giá trị.
Về sau này khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, đã có văn bản hướng dẫn nêu rõ không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại. Chúng ta chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về và cơ quan y tế phải thực hiện, người dân không phải trình giấy xét nghiệm.
Ngoài ra, chỉ xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm theo địa bàn nguy cơ, thường 7 ngày có nơi 14 ngày. Quốc tế cũng làm tương tự như vậy.