Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng về tweet Biển Đông của bà Hoa Xuân Oánh

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam Bác bỏ bản đồ liên quan Covid-19 có hình lưỡi bò trên tài khoản MXH đăng ký tên sứ quán Trung Quốc Bộ Ngoại giao VN lên tiếng về vụ cháy khiến 8 người chết ở Moscow Việt Nam phản đối sách giáo khoa Trung Quốc chứa thông tin sai lệch về Biển Đông

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ bộ Ngoại giao chiều nay, phóng viên đề nghị người phát ngôn cho ý kiến về đoạn tweet mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng ngày 14/7 về Biển Đông, trong đó có nội dung rằng các quyền liên quan của Trung Quốc ở Biển Đông đã được thiết lập từ lịch sử, do hoạt động của Trung Quốc tại khu vực cách đây 2.000 năm.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế" - bà Hằng nêu.

Bộ Ngoại giao phản ứng về tweet Biển Đông của bà Hoa Xuân Oánh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại họp báo chiều nay. Ảnh: Nhật Minh

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại: Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên.

"Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương" bà Hằng cho biết.

Việt Nam cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng tôi nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam luôn luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung và trong quá trình này.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về Tuyên bố của Mỹ với các yêu sách của Trung Quốc dẫn tới sự giận dữ của Bắc Kinh, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới diễn biến hiện tại ở Biển Đông?

Bà Hằng cho biết, duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng mà còn là trách nhiệm chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam đã đang và sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong nỗ lực chung hướng tới mục tiêu này.

Nguồn: vietnamnet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động