Bộ GTVT “chữa cháy” sau đề xuất thi lại nếu mất GPLX
Theo nội dung văn bản, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước.
Tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Việc sát hạch, cấp GPLX đang là vấn đề được quan tâm.
Cùng với đó, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm.
“Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời đề xuất các các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại GPLX” - văn bản nêu.
Trước đó, trong phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có đề xuất “tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại”. Đề xuất này ngay sau đó đã vấp phải sự phản đối của dư luận.
Luật sư Lê Hằng (Công ty Luật TAT Law firm) nhận định, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT có phần nôn nóng, xuất phát từ tâm ý muốn hạn chế, ngăn ngừa vấn nạn bằng giả, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên đề xuất này còn mang nhiều yếu tố chủ quan, nóng vội và cần phải xem xét về mặt thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
GPLX là một loại chứng chỉ giống như quy định ở nhiều ngành nghề khác, nếu như chỉ bị mất giấy tờ trong khi hồ sơ gốc vẫn còn được lưu giữ ở cơ quan có thẩm quyền, người dân không được cấp lại mà phải thi lại như bằng tốt nghiệp đại học hay giấy đăng ký kết hôn …thì rõ ràng là bất hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Ngoài ra còn gây lãng phí nhiều đến thời gian, tiền bạc, hoạt động quản lý của nhà nước tạo tiền lệ xấu ở các ngành nghề khác.