Bộ Công thương kiểm tra 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi kinh doanh xăng dầu Phó Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu |
Bộ Công thương vừa ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023.
Theo đó, có 4 doanh nghiệp bị kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối.
Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện kiểm tra gồm: Công ty TNHH Thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil (số 465 - 467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP HCM); Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (số 73 Lê Lợi, phường Hải Đình, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (số 287 Ngô Đức Kế, phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An); Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là một trong hai doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại miền Trung có tên trong danh sách thanh tra của Thanh tra Chính phủ được công bố cuối năm ngoái.
Tổng kho xăng dầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức. |
Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên sẽ bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08/2018/NĐ-CP về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ Công thương đã công bố kết luận thanh tra về tại 33 doanh nghiệp đầu mối, do Thanh tra Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường đảm trách.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu mối thuê kho chứa chưa đáp ứng quy định, như chưa được cơ quan quản lý địa phương thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó tràn dầu với kho nhiên liệu.
Một số thương nhân đầu mối không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối, như không đủ tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh hoặc đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Khi số lượng đại lý, thương nhân nhận quyền tăng, giảm, các đầu mối xăng dầu cũng không báo cáo tới cơ quan quản lý về sự thay đổi này.
Thậm chí, có hiện tượng doanh nghiệp đầu mối mua ngược lại hàng của thương nhân phân phối. Theo cơ quan thanh tra, việc này là doanh nghiệp đầu mối chưa thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình, nhưng quy định hiện tại chưa có chế tài xử lý.
Ngoài các tồn tại, hạn chế và vi phạm kể trên, cơ quan thanh tra còn cho biết nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn có số liệu báo cáo xuất, nhập, tồn kho chênh lệch thực tế và hoá đơn đầu vào...
Các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh xăng dầu khi thương nhân đó đang nhận quyền bán lẻ, chưa đảm bảo tổng nguồn... là chưa đúng quy định.
Hoặc có tình trạng doanh nghiệp không cung cấp mà giao khoán cho hệ thống đại lý bán lẻ chủ động mua xăng dầu của thương nhân khác. Việc hạch toán lượng hàng mua của các doanh nghiệp đầu mối chưa chuẩn xác, có trường hợp hạch toán phần vay mượn từ đại lý, thương nhân phân phối vào hàng mua từ đầu mối, thậm chí còn hạch toán nhầm hàng mua từ nhà máy lọc dầu trong nước sang phần nhập khẩu từ nước ngoài...