Bộ Công thương đề nghị tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu dịp Tết

Bộ Công thương vừa ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và quý I/2025.
Chính phủ đề nghị báo chí tăng tuyên truyền về an toàn giao thông dịp Tết Không cho phép xảy ra thiếu hàng thiết yếu dịp Tết

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn.

Sở Công thương các địa phương chủ động triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp.

Đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch, phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết và các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường khả năng cung ứng, dự trữ hàng hóa.

Bộ Công thương đề nghị tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu dịp Tết
Ảnh minh họa.

Sở Công thương các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, đồng bộ trên toàn quốc, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025;…

Cùng đó là khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, đặc biệt trong dịp Tết để kích thích tiêu dùng, áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các chương trình ưu đãi khi mua sắm trực tuyến để thúc đẩy tiêu dùng.

Sở Công thương các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chuyến bán hàng về vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các khu công nghiệp, khu chế xuất, để kích cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Bên cạnh đó, Sở Công thương các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ xăng dầu theo quy định; có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Cạnh đó, Sở Công thương các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.

Đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, không xảy ra sự cố

Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và quý I/2025, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Các đơn vị sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, tiết giảm chi phí sản xuất. Hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết để tránh gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối, ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động lập phương thức trực vận hành cung cấp điện, phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) huy động các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2025.

Công ty NSMO lập phương án huy động các nguồn điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2025, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại, tích cực tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại địa phương, các hoạt động trong chương trình kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.

Các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại tổ chức các chương trình bán hàng Tết với giá ưu đãi, giảm giá sâu, kết hợp với các hoạt động khuyến mại tập trung quy mô lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa Việt Nam.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao năm 2025, bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân. Không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.

Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đánh giá cung cầu các mặt hàng thiết yếu, chủ động đề xuất các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Hậu Lộc
Phiên bản di động