Bình Thuận : Yêu cầu Sở GTVT thu hồi hàng trăm triệu đồng tiền "chi riêng" cho lãnh đạo
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thu hồi nộp ngân sách tỉnh số tiền 720.980.313 đồng của Sở Giao thông vận tải đối với khoản chi phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án. Sở Giao thông vận tải được giao có trách nhiệm thu hồi số tiền trên.
Theo danh sách các cá nhân nhận tiền phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án từ năm 2014-2016 tại Sở Giao thông vận tải Bình Thuận có 30 người. Trong đó, ông Phạm Văn Nam (Giám đốc, hiện là Bí thư Thị ủy La Gi) nhận nhiều nhất là 81,7 triệu đồng; các Phó giám đốc Nguyễn Hồng Hải (hiện là Bí thư Thành ủy Phan Thiết), Nguyễn Quốc Nam lần lượt nhận 76,5 triệu đồng và 50,3 triệu đồng; ông Nguyễn Tấn Lê (Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, hiện là Phó giám đốc phụ trách) nhận 7,7 triệu đồng...
Việc thu hồi tiền căn cứ theo Kết luận thanh tra số 2714/KL-UBND ngày 27/7/2020 về việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình tại tuyến đường tránh QL55, đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) và việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, giai đoạn năm 2013-2016; đồng thời cũng căn cứ theo Công văn số 352/UBND-NCKSTTHC ngày 27/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phương án xử lý tài chính đối với khoản kinh phí quản lý dự án đã được trích và sử dụng của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận giai đoạn 2013-2016.
Danh sách các cá nhân nhận tiền phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án từ năm 2014-2016 sai quy định tại Sở Giao thông vận tải Bình Thuận. |
Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 2714/KL-UBND ngày 27/7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã kết luận, trong giai đoạn 2013 - 2016, Sở Giao thông vận tải ban hành các quyết định phê duyệt bản vẽ thi công - dự toán công trình và quyết định phê duyệt chi phí quản lý dự án, xác định phần chủ đầu tư trực tiếp quản lý, sử dụng (chiếm 15% chi phí quản lý dự án) và phần của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông quản lý, sử dụng (chiếm 85% chi phí quản lý dự án), Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng Công trình giao thông (nay là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông) thực hiện trích chuyển chi phí quản lý dự án này là không có cơ sở, không có quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Được biết, trong giai đoạn năm 2013 - 2016, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận ban hành các quyết định phê duyệt dự toán công trình do Sở làm chủ đầu tư, tổng số tiền chi phí quản lý dự án là hơn 16,1 tỷ đồng; Trong đó, phần chi phí quản lý dự án do chủ đầu tư sử dụng là hơn 2,4 tỷ đồng (tương đương 15% chi phí quản lý dự án được phê duyệt); Phần chi phí dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông sử dụng là hơn 13,7 tỷ đồng (tương đương 85% chi phí quản lý dự án được phê duyệt).
"Việc triển khai thực hiện của Sở Giao thông vận tải về phê duyệt dự toán, quy định tỷ lệ chi phí dự án trích nộp về Sở là chưa chặt chẽ và chưa đủ cơ sở để thực hiện'', Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kết luận và nhấn mạnh trách nhiệm để xảy ra thiết sót trên là của Sở Giao thông vận tải và tổ chức, cá nhân có liên quan trong giai đoạn 2013 - 2016.
Cũng tại Kết luận thanh tra số 2714/KL-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cũng đã kết luận nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý chất lượng công trình tại tuyến đường tránh QL55, đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) và việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, giai đoạn năm 2013 - 2016 không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Kết luận thanh tra, tuyến đường tránh QL55, đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa do Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án QL55 là đơn vị được Sở này ủy quyền và điều hành dự án.
Ông Phạm Văn Nam, Bí thư Thị ủy La Gi (nguyên Giám đốc sở GTVT, nguyên PCT tỉnh Bình Thuận) là người nhận phụ cấp nhiều nhất và đóng vai trò lớn nhất trong sai phạm tại Sở Giao thông vận tải Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn. |
Tuyến đường có chiều dài 4,351km, gồm 2 gói thầu: Đoạn Km 94+170 - Km96+300 (gói thầu số 2) với giá trúng thầu là 30,178 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty CP Rạng Đông và đoạn Km96+300 - Km98+521 (gói thầu số 3) với giá trúng thầu là 29 tỷ đồng, đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 - Công ty TNHH Thành Nam.
Qua thanh tra, nhà chức trách tỉnh Bình Thuận phát hiện, khi thực hiện công trình tuyến đường tránh QL55, chủ đầu tư đã phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng tại một quyết định là chưa phù hợp theo quy định; Hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình nền đường và cống tại gói thầu số 3 không có chữ ký xác nhận của người thực hiện kiểm tra tại bảng tổng hợp kết quả thí nghiệm; Phiếu kết quả thí nghiệm lập chưa đúng quy định...
Về thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công liên quan công trình tuyến đường tránh QL55, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kết luận, phần lớn các bản vẽ thiết kế trắc dọc, trắc ngang đường không có khung tên, các trường hợp có khung tên trên bản vẽ thiết kế thì thiếu tên và chữ ký của chủ trì thiết kế theo quy định; Một số cá nhân tham gia thiết kế khi không có tên trong hồ sơ dự thầu và chưa được chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản.
Về thi công, giám sát và quản lý chất lượng công trình xây dựng, tại gói thầu số 2: Trước khi thi công xây dựng tuyến từ Km94+170 đến Km96+300, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng không có văn bản thống nhất các nội dung về hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư và của nhà thầu; Kế hoạch và biện pháp kiểm soát chất lượng trên cơ sở chỉ dẫn kỹ thuật và các đề xuất của nhà thầu theo quy định.
Đồng thời, chủ đầu tư cũng không có văn bản thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của một số cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện theo quy định.
Tuyến tránh QL55 do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư liên tục hư hỏng và phải sửa chữa. |
Bên cạnh đó, nhà thầu thi công không phê duyệt biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình tiến độ thi công theo quy định; Nhật ký thi công xây dựng không có xác nhận của chủ đầu tư...
Tại gói thầu số 3: Hợp đồng thi công, bên giao thầu là Ban Quản lý dự án QL55, bên nhận thầu là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 và Công ty TNHH Thành Nam. Trong đó có nội dung ghi Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 ủy quyền cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 886 là đơn vị trực tiếp thi công là không hợp lý về mặt thời gian. Thời điểm ủy quyền sau thời điểm ký hợp đồng xây dựng (thời điểm ký hợp đồng là ngày 10/8/2010 nhưng giấy ủy quyền ngày 11/8/2010); Việc ủy quyền cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 886 trực tiếp thi công công trình chưa được chủ đầu tư kiểm tra, chấp thuận.
Tại gói thầu này, chủ đầu tư cũng không có văn bản thông báo quyết định về nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện theo quy định. Nhà thầu thi công không có văn bản thông báo hệ thống quản lý chất lượng cho chủ đầu tư trước khi thi công. Đặc biệt, nhật ký thi công xây dựng công trình chưa đánh số trang, không đóng dấu giáp lai của nhà thầu thi công và không có xác nhận của chủ đầu tư.
Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, việc để xảy ra các thiếu sót trên trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Giao thông vận tải với vai trò là chủ đầu tư; bên cạnh đó là trách nhiệm của Ban Quản lý dự án QL55, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng công trình giao thông 1 (đơn vị khảo sát, thiết kế), Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam (đơn vị tư vấn giám sát), các đơn vị thi công và các cá nhân, bộ phận thuộc các cơ quan, đơn vị này.
Trên cơ sở Kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan theo thẩm quyền, qua đó thấy rõ mặt được, những thiếu sót để đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và tùy theo mức độ để đề xuất hình thức xử lý (nếu có), đảm bảo nghiêm túc, đúng thẩm quyền, trách nhiệm và phù hợp theo đúng quy định.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông theo đúng quy định; Trong đó có việc trích và sử dụng chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông để điều chỉnh, thực hiện đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Giám đốc Sở Tài chính rà soát và đề xuất phương án xử lý tài chính đối với khoản kinh phí quản lý dự án đã được trích và sử dụng của Sở Giao thông vận tải giai đoạn năm 2013 - 2016 theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, Giám đốc Sở Nội vụ được giao giúp UBND tỉnh Bình Thuận triển khai việc kiểm điểm các tập thể, cá nhân theo thẩm quyền; Đồng thời theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận thời điểm thanh tra do ông Phạm Văn Nam làm Giám đốc (hiện nay đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư thị ủy La Gi). Ngày 29/6/2016, ông Nam được HĐND tỉnh Bình Thuận bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Đáng nói, ông Phạm Văn Nam được cho là có sai phạm trong Kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, song tháng 8 vừa qua, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã La Gi lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu ông Nam tái đắc cử Bí thư Thị ủy La Gi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Lê thời điểm đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án QL55 (nay là Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận).
Tập đoàn Rạng Đông (một trong hai nhà thầu thi công của tuyến đường tránh Quốc lộ 55) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Bình Thuận, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Tập đoàn. Tập đoàn Rạng Đông được thành lập từ đầu năm 1991, hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, khai khoáng, bất động sản, kinh doanh resort. Nhắc đến Tập đoàn Rạng Đông, nhiều người dân và doanh nghiệp địa phương cho rằng đây là “con cưng” của tỉnh Bình Thuận, bởi tập đoàn này đang được các cấp chính quyền “ưu ái” cho thực hiện rất nhiều dự án bất động sản, BOT, khai khoáng với quy mô rất lớn, trong đó dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với diện tích lên tới hơn 60 ha nằm ven biển được xây dựng trên nền đất sân golf Phan Thiết đang bị đích danh ông Đinh Trung, nguyên UVTW Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận tố cáo có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai, có thể gây thất thoát ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Vụ việc này đã được Báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang Khu đô thị. |