Bình Thuận: Cơ bản khắc phục xong hư hỏng mặt đường Quốc lộ 55
Những đoạn hư hỏng đã được đơn vị quản lý sửa chữa |
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đưa tin về tình trạng xuống cấp của tuyến đường tránh Quốc lộ 55 (đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) dài gần 5 km, bề rộng nền đường 21m, tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng 886 - Thành Nam và Công ty CP Rạng Đông thi công.
Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2014, nghiệm thu bàn giao cho đơn vị quản lý tháng 12/2015. Tuy nhiên, chỉ mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, đã nhanh chóng bị xuống cấp và sửa chữa nhiều lần, nhưng cảnh ổ gà, ổ voi vẫn tiếp tục tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Sau khi Báo Tuổi trẻ Thủ đô có loạt bài phản ánh về tình trạng trên, ngày 31/10/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận yêu cầu rà soát, kiểm tra, sửa chữa dứt điểm các hư hỏng từ Km94 + 170 – Km98 +521.
Theo đó, ngày 19/11/2019, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đã có văn bản về việc đề xuất biện pháp sửa chữa các đoạn hư hỏng gửi Bộ Giao Thông Vận tải.
Ghi nhận tại hiện trường của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô vào ngày 22/2, những đoạn hư hỏng cục bộ trên tuyến đường này đã được đơn vị quản lý cơ bản sửa chữa, khắc phục.
Sở Giao Thông vận tải Bình Thuận cho biết: Đơn vị đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, đồng thời giám sát chặt chẽ chất lượng thi công sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường theo phương án đã thống nhất với Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Theo đó, đơn vị sửa chữa đã đào bỏ phần kết cấu đã hư hỏng, lu lèn nền đường hoàn trả lại lớp đất đắp dày 50 cm, lớp cuối phối đá dăm loại II dày 22 cm, lớp cấp phối đá dăm loại I dày 18 cm, tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn nhựa 1,0kg/m2 và thảm bê tông nhựa chặt 19mm dày 7cm. Tổng kinh phí sửa chữa khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại các vị trí tiếp giáp với nền đường đã san lấp tiến hành làm hệ thống rãnh nước tiêu thoát tránh ứ đọng nước, giảm khả năng thấm nước sâu vào móng đường.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyến đường bị nhanh chóng xuống cấp hư hỏng, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho rằng: Tuyến đường nằm ở vị trí có cao trình thấp trong quy hoạch thị trấn Tân Nghĩa nên phần lớn nước mưa của khu vực quy hoạch chảy dồn về đây. Hai bên đường tại thời điểm khảo sát, thiết kế dự án còn là đất nông nghiệp có hiện trạng thấp hơn so với mặt đường, nên khả năng tiêu thoát nước khu vực nền đường tốt khi vào mùa mưa.
Do quá trình đô thị hóa nhanh, tình trạng san lấp đất của các hộ dân dọc 2 bên đường nhiều, trong khi hạ tầng của khu vực quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ, đã làm hạn chế khả năng thoát nước dẫn đến tình trạng ngấm nước tại một số vị trí nền đường.
Ngoài ra, từ khi đoạn tuyến tránh Tân Nghĩa đưa vào khai thác sử dụng cùng với việc hình thành Đại lộ Đông Tây kết nối vào tuyến tránh, các phương tiện lưu thông trên đoạn đường này ra Quốc lộ 1 tăng cao.
Đặc biệt, các xe trọng tải lớn, xe chở quá tải vận chuyển vật liệu xây dựng từ các mỏ đá, cát cho phép được lưu thông khá nhiều đã làm ảnh hưởng lớn tới kết cấu của đường dẫn đến hư hỏng cục bộ.
Trong khi đó, công tác sửa chữa định kì những hư hỏng của tuyến đường có thời điểm nguồn vốn chưa kịp thời, thủ tục phải qua nhiều bước kéo dài dẫn đến việc khắc phục sửa chữa chưa kịp thời.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết thêm: Về lâu dài, đơn vị đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng bố trí nguồn vốn để thi công đồng bộ hệ thống rãnh thoát nước hai bên đường trên toàn tuyến.