Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ làm việc với trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Dự hội nghị PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; Đại diện các Sở, ban, ngành TP…
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ làm việc với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sáng 19/3 |
Báo cáo tại buổi làm việc, TS Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trực thuộc UBND TP Hà Nội.
Sau 6 năm xây dựng và phát triển, nhà trường có 3 cơ sở với tổng diện tích 9.498ha, gồm: Cơ sở 1 tại số 98 phố Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy; Cơ sở 2 tại thôn Đạc Tài, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn; Cơ sở 3 tại số 6 phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Hiện nay, nhà trường đã được phép tổ chức đào tạo 23 ngành đào tạo trình độ đại học (trong đó có 7 ngành sư phạm), 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (ngành Quản lý giáo dục), với đội ngũ 379 cán bộ, giảng viên, nhân viên (trong đó có 1 giáo sư, 8 phó giáo sư, 60 tiến sĩ, 226 thạc sĩ, 70 đại học, 14 trình độ khác).
Tổng số sinh viên đang theo học tại trường là 8.401, trong đó hệ Cao đẳng chính quy có 1.053 sinh viên; Hệ Đại học chính quy có 5.119 sinh viên; Hệ Cao đẳng liên thông có 220 sinh viên; Hệ Đại học liên thông có 1411 sinh viên và 386 học viên Cao học.
Trường bước đầu đã phát triển theo đúng định hướng là trường đại học đa ngành; Công tác tuyển sinh được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo quy chế với phương thức phong phú, phạm vi rộng. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học và theo học tại trường luôn ở mức trên 50%. Số sinh viên trúng tuyển đều nhập học và điểm chuẩn đầu vào luôn giữ ổn định ở mức cao trong nhiều năm như ngành: Giáo dục Tiểu học, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm Ngữ văn…
Công tác tổ chức và quản lí các ngành đào tạo trình độ đại học được thực hiện theo đúng yêu cầu với mục tiêu đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, lấy nhu cầu của thị trường lao động làm trung tâm; Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp ra trường thường xuyên là khoảng 75%, có nhiều ngành đạt 100%.
Cùng với đó, số lượng và chất lượng đề tài được nâng lên theo hàng năm, đặc biệt là các đề tài có tính ứng dụng cao. Số lượng đề tài lũy kế đến năm 2020 cấp cơ sở là 195 đề tài (trong đó số lượng đề tài năm 2019 tăng gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2015. Bên cạnh đó, các hoạt động khoa học, công nghệ của cán bộ trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp được quan tâm, định hướng phát triển và đẩy mạnh,…
Theo TS Đỗ Hồng Cường, bên cạnh những kết quả đạt được, Trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chưa phát huy hết tiềm năng phát triển sau khi chuyển đổi mô hình từ trường cao đẳng chuyên đào tạo giáo viên thành trường đại học đa ngành và lợi thế của một cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Thủ đô.
Cơ sở phân tán, xuống cấp, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa tương xứng với mô hình đào tạo đại học. Tổ chức bộ máy vẫn chưa được tinh gọn; Việc tái cấu trúc, sáp nhập các đơn vị chưa tạo nên sức mạnh và động lực cho sự phát triển. Đời sống và thu nhập của đội ngũ giảng viên còn ở mức thấp so với mặt bằng chung.
Việc phát triển đội ngũ giảng viên trong 1 số lĩnh vực chưa được đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trình độ đại học và sau đại học, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các ngành ngoài sư phạm; Chưa có chính sách hấp dẫn, khuyến khích, ưu tiên để phát triển đội ngũ giảng viên cốt cán và thu hút giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao về công tác tại trường…
Tại buổi làm việc, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã kiến nghị tới thành phố 12 nội dung thuộc 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách, hoạt động chuyên môn, tăng cường cơ sở vật chất.
(Tiếp tục cập nhật...)