Bệnh nhân đa chấn thương, ngưng tim, được cứu sống ngoạn mục
Bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng đang tăng Bệnh nhân đậu mùa khỉ có thể không có triệu chứng |
Ngày 17/8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc phối hợp các chuyên khoa đã cứu sống bệnh nhân đa chấn thương nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhân nam N.Q.T (17 tuổi, ở Đồng Tháp) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 11h20 ngày 2/8/2022 với tình trạng lơ mơ, gọi biết, đau đầu. Bệnh nhân có vết thương vùng trán, gò má do bị tai nạn giao thông.
Bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, quá trình cấp cứu, bệnh nhân đột ngột bị ngưng tim ngưng thở. Ngay lập tức, ê kíp trực cấp cứu tiến hành hồi sức tim phổi cho bệnh nhân thành công và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực để điều trị tiếp.
Bệnh nhân N.Q.T (17 tuổi, ở Đồng Tháp) được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống |
Trước diễn tiến nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Hồi Sức cùng các chuyên khoa khác tiến hành hội chẩn cấp bệnh viện và thống nhất chẩn đoán: Bệnh nhân bị sốc do đa chấn thương nặng (dập phổi, tràn khí màng phổi, chấn thương gan, lách, chấn thương cơ tim, tràn máu màng tim, màng phổi) sau tai nạn giao thông biến chứng suy đa cơ quan, nhiễm toan. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng có nguy cơ tử vong.
Quá trình xử lý cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp lọc máu liên tục để hỗ trợ điều trị suy đa tạng cho bệnh nhân. Đồng thời, các bác sĩ theo dõi huyết động xâm lấn bằng phương pháp PICCO nhằm đánh giá chi tiết và liên tục các chức năng tim mạch của bệnh nhân.
Cũng vì tình trạng nội khoa rất nặng nên bệnh nhân còn được can thiệp thở máy chống xẹp phế nang, thuốc vận mạch, an thần liều cao, kháng sinh phổ rộng, dinh dưỡng tĩnh mạch và các phương pháp điều trị nội khoa tích cực.
Với 12 ngày điều trị tích cực bằng nỗ lực không biết mệt mỏi của các bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân mới cải thiện dần. Bệnh nhân được rút ống thở máy và tự thở oxy. Đặc biệt, tình trạng suy đa tạng được kiểm soát tốt, sinh hiệu ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp tốt với các y bác sĩ điều trị.
Sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui rất lớn của toàn thể ê-kíp điều trị, chăm sóc. Mỗi dấu hiệu cải thiện của người bệnh là niềm phấn khởi trong tiến trình cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế.
Sau khi được cấp cứu, điều trị tích cực, bệnh nhân N.Q.T đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định |
Theo BS.CKII Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Suy đa tạng là tình trạng diễn tiến cấp của một quá trình bệnh lý có căn nguyên do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn trong đó có suy ít nhất hai tạng trở lên và tồn tại ít nhất trong 24 giờ. Theo một số nghiên cứu trong nước ghi nhận, tỉ lệ tử vong chung của bệnh nhân suy đa tạng lên đến 75,8%, thậm chí tử vong gần 100% nếu có nhiều tạng suy cùng lúc (5-6 tạng).
Điều trị suy đa tạng là tổng hợp các biện pháp tìm và loại bỏ nguyên nhân gây suy đa tạng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ các tạng suy. Lọc máu liên tục là một trong các phương pháp chuyên sâu của chuyên ngành hồi sức tích cực giúp hỗ trợ điều trị tạng suy. Kỹ thuật lọc máu liên tục có thể giảm tỷ lệ tử vong chung của suy đa tạng còn 67,7% và có nghiên cứu báo cáo cải thiện tỷ lệ này còn 47,2%.
Thành công điều trị ca cấp cứu phức tạp cho thấy sự phối hợp đồng bộ và trình độ chuyên môn tốt của nhiều chuyên khoa, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ hồi sức tích cực cùng tinh thần quyết tâm điều trị đến cùng của đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện. Với việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được hưởng lợi với những ca bệnh được cứu sống ngoạn mục.