Bảo tàng nghìn tỷ bao năm vắng khách, UBND TP Hà Nội quyết định "thay đổi"
Sau gần 10 năm, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện
Bảo tàng Hà Nội được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành tháng 10/2010 nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đây là công trình văn hóa nổi bật của thành phố với kiến trúc độc đáo, hiện đại, nằm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Trương Minh Tiến, nguyên PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, người từng có nhiều năm gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của Bảo tàng Hà Nội bày tỏ quan điểm về bảo tàng.
Năm 2015, bảo tàng tạo dựng một số kiến trúc cổ trong khu sân vườn như cổng làng Mông Phụ
Theo ông Tiến, năm 2010, Bảo tàng khánh thành để chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thực chất, chỉ là khánh thành phần khuôn viên (phần vỏ) của bảo tàng còn phần trưng bày hiện vật (phần hồn) vẫn đang trong giai đoạn triển khai, bổ sung.
Đến năm 2015, Thành phố Hà Nội có thuê nhóm chuyên gia Pháp hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện trưng bày hiện vật. Đến thời điểm hiện tại, bảo tàng Hà Nội đã đáp ứng được khoảng hơn 90% số lượng hiện vật theo đề án mới. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thiện 100%.
Đối diện với cổng Mông Phụ là hình ảnh mô phỏng 36 phố phường của Hà Nội. Mọi chi tiết được thiết kế, xây dựng giống với bản gốc. Tuy nhiên, sau 2 năm xây dựng nhà mô phỏng 36 phố phường của Hà Nội đã phải dừng hoạt động
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 880/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội.
Theo đó, Bảo tàng Hà Nội sẽ có 4 không gian trưng bày chính, trong đó không gian trưng bày tại tầng 1 gồm: Không gian đại sảnh thông tầng, không gian dành cho phục vụ: quầy bán vé, khu lễ tân, khu bán hàng lưu niệm, khu gửi đồ 1, khu gửi đồ 2.
Không gian trưng bày tầng 2 gồm các chủ đề: Câu chuyện của Bảo tàng Hà Nội; Chủ đề "Thiên nhiên" với các trưng bày về cảnh quan thiên nhiên, đất đai và khoáng sản, động thực vật; Chủ đề "Hành trình đến Thăng Long" với các trưng bày: Hành trình đến Thăng Long, Những cư dân đầu tiên, Nhà nước sơ khai, Trống đồng, Thời Bắc thuộc, Đấu tranh giành độc lập; Chủ đề "Thăng Long thời Đại Việt" với trưng bày: Kinh đô Thăng Long thế kỷ 11-18, Diện mạo kiến trúc, Đấu tranh chống ngoại xâm, Trung tâm quyền lực chính trị và tri thức, Kẻ chợ, Đời sống tâm linh
Không gian trưng bày tầng 3 với chủ đề Hà Nội thế kỷ XIX-XX bao gồm các chủ đề: Làng nghề - Phố nghề, Thành phố thuộc địa, Cư dân thành phố, Tôn giáo tín ngưỡng, Đời sống văn hóa - nghệ thuật...
Không gian trưng bày tầng 4 bám sát các chủ đề: Đấu tranh chống Pháp giành độc lập (1873-1954); kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); Xây dựng chủ nghĩa xã hội; Hà Nội trên đường đổi mới với các trưng bày nổi bật như: Trưng bày cuộc sống thời chiến, vì Hà Nội - vì Tổ quốc, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, khu tập thể và cuộc sống thời bao cấp, cuộc sống của một đô thị hiện đại...
Người dân hy vọng sau những chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Bảo tàng Hà Nội sẽ thay da đổi thịt, đón khách tham quan từ mọi miền về nhiều hơn nữa.