Bão lũ sắp"tấn công" nước ta dồn dập, đỉnh lũ được dự báo ra sao?
Bộ Thủy lợi Trung Quốc (MWR) hôm 12.7 nâng mức phản ứng khẩn cấp chống lũ lên cấp 2 (mức cao thứ hai) giữa lúc mưa lớn tiếp tục trút xuống những khu vực dọc sông Dương Tử.
Tại Việt Nam, thời điểm này chuẩn bị "căng mình" ứng phó với mùa bão lũ. Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra những nhận định và dự báo về tình hình mưa bão trong thời gian tới.
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia. Ảnh: PV. |
- Thưa ông, trước mùa mưa bão sắp đến tình hình hồ chứa ở nước ta hiện nay ra sao?
Trên thượng lưu sông Hồng-Thái Bình đã xuất hiện 2 đợt lũ nhỏ, biên độ lũ trên các sông phổ biến từ 1,5-3,5m. Nguồn nước các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-70% so với trung bình nhiều năm. Mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ liên tiếp xuất hiện tại Hà Nội (sông Hồng), tại Tuyên Quang, Vụ Quang (hạ lưu sông Lô).
Tình hình hồ chứa đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên sông Hồng đạt từ 35-65% dung tích thiết kế Mực nước hồ Thác Bà, hồ Lai Châu chỉ cao hơn mực nước chết khoảng 2-3m. Các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ phổ biến đạt từ 40-80% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2019.
- Dự báo thời điểm nào bão sẽ dồn dập đổ bộ thưa ông?
Từ tháng 7 - 12.2020, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm 2020. Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa thu năm nay.
Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Trong đó, ở khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 bão/áp thấp nhiệt đới trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9.2020. Đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ (khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) trong tháng 9 có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 xoáy thuận nhiệt đới. Tháng 10 có khả năng chịu ảnh hưởng từ 1 - 2 xoáy thuận nhiệt đới.
Như vậy, đối với khu vực Bắc Bộ trong mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10, khu vực Bắc Trung Bộ mùa mưa bão tập trung giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11.
- Sau bão thường có hoàn lưu gây mưa lớn, vậy dự báo lượng mưa và tình hình đỉnh lũ từ nay đến cuối năm ra sao, thưa ông?
Khu vực Bắc Bộ dự báo tổng lượng mưa tháng 7.2020 phổ biến ở mức thiếu hụt khoảng từ 10-25%; tháng 8, tháng 10, tháng 11.2020 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng sẽ 9 cao hơn trung bình nhiều năm.
Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10.2020 phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2 cao hơn năm 2019, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.
- Trân trọng cảm ơn ông!