Việt Nam nghiên cứu mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc để ứng phó kịp thời

Thời gian qua, lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại vô cùng lớn. Đây là hiện tượng Việt Nam cần có nghiên cứu, đánh giá để ứng phó kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ Hà Nội triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ Mưa lũ lịch sử đang càn quét Trung Quốc liệu có "đe doạ" Việt Nam?

Tại hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 tổ chức tại Lào Cai ngày 13/7/2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, những diễn biến bất lợi của thiên tai trong những tháng đầu năm 2020 cho thấy, công tác cảnh báo, ứng phó thiên tai phải được nâng cao lên một bước.

Việt Nam nghiên cứu mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc để ứng phó kịp thời - 1
Quang cảnh hội nghị.

Thống kê cho thấy, những tháng đầu năm 2020, khu vực này đã xảy ra 92 trận giông, lốc, mưa đá, mưa lớn (nhiều hơn tổng số trận của cả năm 2019), trong đó 8 đợt trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó trận động đất ngày 16/6/2020 tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu có độ lớn 4,9; rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Tính đến ngày 30/6/2020, thiệt hại do thiên tai ước tính khoảng 610 tỷ đồng.

"Diễn biến thiên tai trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp. Đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng. Lũ lụt ở Trung Quốc đã làm 130 người chết và mất tích, 10.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, 20 triệu người bị ảnh hưởng, đe dọa an toàn của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử - đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Việt Nam nghiên cứu mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc để ứng phó kịp thời - 2
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, với diễn biến của thiên tai trong khu vực thời gian qua, cùng với dự báo cho mùa thiên tai trọng điểm từ nay đến cuối năm, các địa phương cần chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra, trong đó tập trung đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu.

Cụ thể, các địa phương cần chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ.

Phê duyệt kịch bản, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị; đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng, gây chia cắt; không để bị động bất ngờ, ngay cả khi xảy ra tình huống mưa lũ đặc biệt lớn như hiện nay tại một số các quốc gia trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các địa phương cần chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn; các khe suối bị tắc nghẽn; có giải pháp sơ tán dân, cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tình trạng tích thủy tạo lũ ống, lũ quét; bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này.

"Bài học từ các địa phương cho thấy, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, tuyên truyền, nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ trong phòng chống, ứng phó thiên tai thì hậu quả do thiên tai gây ra sẽ bớt nặng nề" – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Nêu cao tinh thần "4 tại chỗ"

Việt Nam nghiên cứu mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc để ứng phó kịp thời - 3
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, khu vực miền núi phía Bắc có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề môi trường. Khu vực này có hơn 10 triệu dân, đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, là vùng an ninh nguồn nước cho đất nước, là lưu vực cho toàn bộ các sông lớn, trong đó có lưu vực sông Hồng.

Đây cũng là khu vực chịu nhiều tổn thương do thiên tai. Chưa bao giờ khu vực này đã xảy ra gần 100 dạng hình thái thiên tai, chưa bao giờ có mưa đá ngay từ sáng mùng 1 Tết.

"Thời gian qua, lũ lụt ở Trung Quốc cũng gây thiệt hại vô cùng lớn. Đây là điều chúng ta cần có nghiên cứu, đánh giá để ứng phó kịp thời", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các địa phương cần nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa, chủ động thích ứng, chủ động khắc phục trên phương châm "4 tại chỗ". Chính quyền cơ sở, người dân đóng vai trò quan trọng trong ứng phó thiên tai.

Khẩn trương rà soát và phát hiện nơi ở mất an toàn, các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khơi thông các vị trí tắc nghẽn dòng chảy; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để cảnh báo các nguy cơ thiên tai.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết, thiên tai những tháng cuối năm 2020 vẫn hết sức phức tạp. Mưa lũ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10; đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10 phổ biến ở mức báo động 1-2. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động