Bán hàng rong hoa quả xuất xứ Trung Quốc nói hàng Việt Nam

Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, nhiều người bán hàng rong hoa quả, khoai tây, hành tỏi… có xuất xứ Trung Quốc, khi người tiêu dùng hỏi thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam để người tiêu dùng mua hàng của mình...
Nóng buôn lậu dịp cận Tết: Chặn lô nồi cơm điện xuất xứ Trung Quốc Hà Nội: 'Đột kích' cơ sở cắt mác Trung Quốc gắn nhãn Chanel, Gucci

Sáng 26/11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã tổ chức diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp".

Tại diễn đàn, ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, trên thị trường hiện nay vẫn còn tồn tại hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau khiến những kết quả đạt được chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đề ra.

ban hang rong hoa qua xuat xu trung quoc noi hang viet nam
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi cũng như doanh nghiệp và người dân vẫn phải đối mặt với những thách thức từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe, môi trường sinh thái.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, trong quá trình hoạt động lực lượng Quản lý thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và phức tạp. “Từ những tổ chức, đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng” ông Đạt nói.

Lấy ví dụ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ cho biết, nhiều người bán hàng rong hoa quả, khoai tây, hành tỏi… có xuất xứ Trung Quốc, khi người tiêu dùng hỏi xuất xứ thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam để người tiêu dùng mua hàng của mình.

Bên cạnh đó, ông Đạt cũng cho rằng, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó.

Ngoài ra, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

“Nhận thức, thị hiếu của người tiêu dùng về các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng vẫn còn cao, muốn sở hữu hàng hóa với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và thông tin để nhận biết hàng thật, hàng giả còn nhiều hạn chế” ông Đạt chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phải đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn, từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngănchặn phù hợp.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật, nắm được các thông tin về phân biệt hàng giả, xuất xứ hàng hóa, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả.

Hậu Lộc
Phiên bản di động