Bản án nào cho hai bảo mẫu “bạo hành đến chết” cháu bé 17 tháng tuổi ở Thường Tín?
Hai bảo mẫu khai nhận đã bạo hành bé trai khiến nạn nhân chấn thương sọ não, tử vongKhẩn trương điều tra, làm rõ sự việc bé trai 17 tháng tuổi tử vong tại huyện Thường Tín |
Bạo hành trẻ em luôn là vấn nạn nhiều năm qua, đặc biệt là trong các cơ sở nhận trông giữ trẻ. Dù những hình phạt nghiêm khắc cho hành vi này đã được quy định rõ ràng trong Bộ luật Hình sự 2015, tình trạng vẫn tái diễn khiến dư luận nhức nhối.
Điểm chung của các vụ việc dẫn đến cái chết đau đớn lòng đều xảy ra ở các cơ sở mầm non tư thục, hoặc chưa được cấp giấy phép hành nghề.
Mới đây nhất, vụ hai bảo mẫu ở Thường Tín (Hà Nội) bạo hành dã man khiến bé trai 17 tháng tuổi tử vong khiến dư luận một lần nữa lại được phen dậy sóng.
Như tin Tuổi trẻ Thủ đô đã đưa, liên quan vụ việc bé trai P.T.Đ (17 tháng tuổi, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong khi được gửi đến lớp trông giữ trẻ gia đình tự phát sinh, chưa được cấp phép, hiện hai đối tượng Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đều đã bị Công an huyện Thường Tín ra quyết định bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành để điều tra về hành vi giết người.
Hai bảo mẫu An và Lành tại cơ quan công an |
Tại cơ quan công an, An và Lành đã khai nhận, do bực tức vì bé trai 17 tháng tuổi bỏ ra ngoài lớp, hai cô làm việc tại điểm giữ trẻ tự phát khai đã bế cháu bé ném xuống nền nhà làm cháu bé đập đầu xuống, dùng tay tát nạn nhân, dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu cháu bé.
Trước đó, cơ quan chức năng thuyết phục đã đồng ý cho khám nghiệm tử thi, kết quả, cháu bé bị tử vong do chấn thương sọ não, chảy máu và phù não.
Căn cứ vào các quy định pháp luật và Luật Trẻ em 2016, hai đối tượng An và Lành bạo hành cháu Đ dẫn đến tử vong có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất.
Về vấn đề bạo hành trẻ em, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng có ý kiến, trường hợp có căn cứ cho rằng hành vi có thể dẫn đến chết người mà người đánh trẻ em nhận thức rõ được điều đó nhưng vẫn cố tình làm và không quan tâm đến hậu quả. Với trường hợp này thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người quy định tại Khoản 1 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất tù chung thân hoặc tử hình với các tình tiết định khung có thể là: Giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ, vì động cơ đê hèn…
Chị Nguyễn Thuỳ Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất bình: Nhà tôi có 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất mới được vài tháng. Tôi thật sự căm phẫn khi đọc được tin tức về hai bảo mẫu độc ác bạo hành cháu trai mới 17 tháng tuổi ở Thường Tín dẫn đến tử vong với những hành động có tính côn đồ, máu lạnh. Chỉ mong sao pháp luật xử lý thật nghiêm khắc với khung hình phạt cao nhất để tạo tính răn đe cho xã hội.
Cần đợi kết luận của cơ quan điều tra mới có đủ cơ sở xác định mức hình phạt đối với hai đối tượng An và Lành, tuy nhiên vì bất kì lý do gì, việc người phạm tội hành hạ cháu bé mới 17 tháng tuổi và tước đi mạng sống của cháu thì cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Luật trẻ em 2016 đã quy định:
"Điều 12. Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển"
“Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em. Cha mẹ cần chăm sóc, bảo vệ con đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”…
Liên quan đến vụ việc trên, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Thường Tín, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội.
Theo đó, UBND TP giao UBND huyện Thường Tín chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc theo quy định pháp luật, báo cáo UBND TP kết quả trước ngày 10/3.