Bamboo Airways có nhà đầu tư mới thay ông Trịnh Văn Quyết
Nhóm FLC, Bamboo Airways bổ sung nhân sự thượng tầng Bamboo Airways có Tổng Giám đốc mới sau khi ông Đặng Tất Thắng từ chức |
Thông tin này được ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng Giám đốc Bamboo Airways chia sẻ với báo giới ngày 16/3.
Theo ông Quân, trong khoảng thời gian gần một năm qua, để duy trì hoạt động bình thường và tiếp tục phát triển, Bamboo Airways đã rất nỗ lực tìm kiếm nhà đầu mới có thể hỗ trợ Hãng về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu.
Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan).
Với vai trò là tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới. Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Máy bay Bamboo Airways. |
Ngoài ra, theo thông tin Bamboo Airways có được, trong quá trình hỗ trợ việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần, số lượng cổ phần chuyển nhượng đã được các cổ đông cũ thế chấp tại các ngân hàng từ năm 2020.
Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toánh nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các Ngân hàng.
Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án. Mọi tiến trình đều được báo cáo cơ quan chức năng và tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Về bộ máy nhân sự, Bamboo Airways ưu tiên hoàn thiện tiến trình tái cơ cấu, từ đó tạo nền tảng vững chắc để tạo cộng hưởng nguồn lực nội bộ, tạo thêm động lực để giúp hãng đương đầu với các khó khăn vĩ mô khách quan.
Tiến trình quan trọng này Bamboo Airways đã được tạo điều kiện thuận lợi mạnh mẽ thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ, cũng như các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý.
Thực tế, nhiều khó khăn và yếu tố rủi ro phát sinh vẫn đang ảnh hưởng đến kịch bản phục hồi và phát triển của toàn ngành hàng không Việt Nam nói riêng, cũng như thế giới nói chung, trong đó có cả Bamboo Airways. Một trong số đó là những áp lực tài chính để lại sau 2 năm COVID-19.
Sau đại dịch, sự chênh lệch trong độ mở cửa của các thị trường nguồn khách đã ảnh hưởng đáng kể đến một phần doanh thu của hãng, cùng với đó là giá nhiên liệu bay duy trì ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ dao động mạnh.
Về chiến lược hoạt động, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tập trung phát triển ba thế mạnh cốt lõi, đẩy mạnh phát triển sản phẩm – dịch vụ khác biệt, mang tới cho thị trường nhiều sự lựa chọn mới.
Để tạo lợi thế cạnh tranh, hãng sẽ tập trung vào các giải pháp bao gồm: Quản trị tối ưu về chi phí, chủ động đi trước đón đầu trong chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, nhanh chóng thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường.