Cảnh sát hình sự Bình Dương - Hiệu quả từ những mô hình phòng, chống tội phạm

Bài 4: Võ Văn Sơn - chàng Cảnh sát hình sự “lấy cơ quan làm nhà”

Mới gặp Võ Văn Sơn người ta có cảm giác anh như từ series phim “Cảnh sát hình sự” trên truyền hình bước ra. Cao to đẹp trai, nụ cười tỏa sáng, Sơn có cách nói chuyện rất hấp dẫn và… hiền lành, hòa đồng, khác với những hình ảnh về một cảnh sát hình sự phải nghiêm nghị và có phần… khô khan. Say nghề, nói về nghề mê mải đến nỗi không dứt ra được. Khi bị Sơn cuốn vào câu chuyện phá án của mình rồi, chúng tôi mới khẳng định Sơn là Cảnh sát hình sự chính hiệu, không phải… diễn viên đóng vai nào cả.
TP HCM: Hơn 2.300 người tham gia diễn tập phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn TP HCM: Nhiều cơ sở thẩm mỹ đóng cửa, treo biển "cho thuê nhà" sau khi bị Sở Y tế xử phạt Công an TP Thủ Đức ra quân đợt cao điểm

Cả năm chỉ về nhà một lần

Cuộc trò chuyện của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô với Đại úy Võ Văn Sơn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) diễn ra vào buổi sáng cuối tuần nhưng liên tục bị ngắt quãng bởi anh phải giải quyết nhiều công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng.

Sơn nói vui là mình phải kiêm rất nhiều việc vì hiện tại đã là phó trưởng phòng nhưng lại không có Ban chỉ huy đội, không có đội phó và cũng không có đội trưởng. Sơn vừa đi họp với vai trò là lãnh đạo đơn vị theo công việc chuyên môn, vừa làm phần việc thay thế cho Đội trưởng, Đội phó và vừa làm công việc của một trinh sát quản lý địa bàn.

Đại úy Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Bình Dương trong phần giao lưu tại buổi lễ gặp mặt ngày truyền thống 60 năm của lực lượng CSND
Đại úy Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Bình Dương trong phần giao lưu tại buổi lễ gặp mặt ngày truyền thống 60 năm của lực lượng CSND

Đăc thù của công việc đòi hỏi anh phải bao quát hết cả tỉnh, rất rộng. Chính bởi thế, Sơn chia sẻ rất thật lòng, một năm nay anh chưa về nhà. Ngày Tết Sơn thường về nhà đúng ngày mùng 1 rồi lại lao vào các vụ án đang chờ. Không chỉ riêng anh mà hầu hết các anh em trong phòng đều hầu như chẳng bao giờ được đón Tết trọn vẹn với gia đình.

Vào những ngày đầu 2022 với tinh thần chỉ đạo quyết liệt tấn công trấn áp các loại tội phạm của Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, ngày 29 Tết Âm lịch, đồng chí Sơn cùng với các đồng chí trong đội Chống TNXH và mua bán người của Phòng CSHS sau nhiều ngày theo dõi đã tổ chức lực lượng triệt xóa sòng bạc hoạt động quy mô lớn tại huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Tại đây, các đồng chí đã bắt giữ nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, thu giữ số tiền lớn dùng để đánh bạc.

Không ngừng nghỉ giây phút nào, từ 30 Tết, Sơn tiếp tục cùng với các đồng chí trong đội tiếp tục đeo bám một sòng bạc khác do một đối tượng vừa ra tù tổ chức, với phương thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, khi các đối tượng cứ thay đổi địa điểm liên tục. Mặc dù quân số đội chỉ vỏn vẹn 8 đồng chí nhưng với tinh thần quyết tâm bắt giữ các đối tượng các anh em trong đội đã bỏ toàn bộ công việc ở gia đình qua một bên và trực chiến 100% tại đơn vị để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay khi có tin.

Đáp lại sự quyết tâm đó là một kết quả bất ngờ, sáng Mùng 5 Tết, sau khi xác nhận thông tin về một vụ giao dịch mua bán súng quân dụng K54 cùng nhiều viên đạn chuẩn bị diễn ra trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đồng chí Sơn đã nhanh chóng báo cáo lãnh đạo cấp trên và tổ chức lực lượng mật phục theo dõi bắt quả tang thành công đối tượng. Kết quả, lực lượng chức năng thu giữ 1 súng K54 cùng nhiều viên đạn trong sự ngỡ ngàng của đối tượng.

Bài 4: Võ Văn Sơn - chàng Cảnh sát hình sự “lấy cơ quan làm nhà”

Sau khi hoàn thành thủ tục bắt giữ đã là thời điểm trưa, khi anh em tổ công tác đang ăn cơm trưa thì bất ngờ nhận lệnh triển khai nhanh đội hình từ đồng chí Sơn, bỏ lại những phần cơm còn dang dở các anh em nhanh chóng lên 2 xe 16 chỗ và tiến thẳng đến nơi tổ chức sòng bạc của đối tượng nhiều ngày theo dõi. Với những chuẩn bị trước đó tổ công tác đã âm thầm đột nhập, tiếp cận thành công sới bạc là nơi hoang vắng, giữ rừng cây giáp với bờ sông, có địa hình hiểm trở.

Cuộc đánh án bắt đầu bằng nhiều tiếng AK 47, những quả nổ nghiệp vụ liên tiếp vang lên giữa đồng cỏ nhằm trấn áp các đối tượng. Sau đó là những giờ đấu trí, những phút căng thẳng suốt đêm khi làm việc với những đối tượng “cứng đầu” có nhiều tiền án, tiền sự… Đến khi xong việc thì đã là buổi trưa của mùng 6 Tết, tuy mệt nhưng anh em ai cũng vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau ngày hôm đó anh em trong đội mới được đón Tết cùng gia đình, một cái Tết muộn nhưng hạnh phúc.

Từ khi ra trường, làm một cảnh sát kinh tế chống buôn lậu rất năng động, kinh qua nhiều đơn vị rồi “bén duyên” và như bị công tác trinh sát “bỏ bùa”, Đại úy Võ Văn Sơn gắn bó với công việc bằng cả niềm đam mê, tinh thần, trách nhiệm và trí tuệ của mình. “Mở mắt ra là công việc ùa đến”, Sơn tâm sự. Thế nên, những chiến sĩ trẻ như Sơn lấy cơ quan làm nhà cũng là lẽ đương nhiên.

Đại úy Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương lập chuyên án bắt giữ nhóm đối tượng tàng trữ, lưu hành tiền giả
Đại úy Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương lập chuyên án bắt giữ nhóm đối tượng tàng trữ, lưu hành tiền giả

“Ở cơ quan quen rồi, đặt mình xuống là ngủ, có thể tỉnh dậy bất cứ lúc nào và bắt tay vào việc ngay. Còn ở nhà ngủ một mình… không quen, không ngủ nổi. Ngủ ở cơ quan có anh em trong đơn vị lúc nào cũng đông vui vì bản thân chưa lập gia đình nên có về nhà thì cũng ngủ một mình thôi”, Sơn nói vui.

Dù vậy, đối với anh, có những đợt 2 - 3 ngày trinh sát phá án không ngủ là chuyện bình thường. Bởi cũng có những vụ án phức tạp, anh phải nghiên cứu lại hồ sơ từ đầu, nghiên cứu các tư liệu liên quan để đề ra các giải pháp, tham mưu với lãnh đạo.

Muốn chứng minh bản thân, đặc biệt là muốn tiến bộ thì phải luôn tìm tòi, nâng cao nghiệp vụ. “Không phải chỉ làm đủ trách nhiệm của mình mà còn phải làm hơn, làm vượt; Đừng bao giờ so việc của anh, việc của tôi mà xem đó là trách nhiệm mà mình phải làm, phải hoàn thành”, đó là điều Sơn luôn tâm niệm. Đối với anh, ngay cả khi là trinh sát cho đến khi làm Phó trưởng phòng, luôn luôn không bao giờ có chuyện “tị nạnh, so sánh” với người khác.

Chủ động làm hết phần việc của mình, chủ động làm hơn phần việc của mình, hết lòng với nghề là cách rèn luyện tốt nhất để trưởng thành và những trải nghiệm thực tế đó sẽ giúp cho mình có những kinh nghiệm quý báu và đó cũng là những “hành trang” sẽ đi cùng với mình suốt những năm tháng làm trinh sát hình sự.

“Bên cạnh những thành công cũng có những thất bại, bên cạnh những gì mĩnh đã làm được cũng có những cái mình chưa làm được; thậm chí có những quyết định mà đến bây giờ mình vẫn phải suy nghĩ lại vì cảm thấy ray rứt trong lòng…..” đồng chí Sơn chia sẻ.

Bài 4: Võ Văn Sơn - chàng Cảnh sát hình sự “lấy cơ quan làm nhà”

Chính bởi thế, trong tay Đại úy Võ Văn Sơn không chỉ có các tập hồ sơ, tư liệu mà là những chiếc máy tính, ổ cứng đầy ắp các tư liệu. Điện thoại của anh cũng tràn ngập hình ảnh các đối tượng, các clip ghi lại hình ảnh anh và đồng đội đi bắt, trấn áp tội phạm khi phá án. Lưu trữ một cách đầy đủ, khoa học giúp cho công việc của anh trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều bởi rất nhiều vụ án anh đã có manh mối từ những đối tượng từng bị phạm tội và bắt giữ.

Nghề nguy hiểm

Cảnh sát hình sự như hình dung của tất cả mọi người là nghề nguy hiểm bởi luôn phải đối mặt với những tội phạm manh động, nguy hiểm, liều lĩnh. Đại úy Võ Văn Sơn kể về những lần cận kề sinh tử của mình một cách rất… bình thản. Có lẽ, việc xảy ra với anh… như cơm bữa.

Những câu chuyện thực tế mà Sơn chia sẻ cho chúng tôi nghe thật đúng như hình dung của chúng ta về cảnh sát hình sự. Đó là một lần đi công tác địa bàn, nghe cộng tác viên nói có đám đánh lộn, Sơn lập tức chạy đến. Một đám loạn đả đánh nhau rất hăng, Sơn rút súng bắn chỉ thiên, giơ thẻ Cảnh sát hình sự ra. Các đối tượng rất hung dữ, không những dừng lại mà còn cho rằng anh là cảnh sát giả.

Tang vật thu được từ vụ án
Tang vật thu được từ vụ án

Thay vì đánh nhau, họ quay ra… đánh anh. Sơn bị năm, sáu người dồn vào góc, kẻ đè xuống, kẻ leo lên người, kẻ lấy dây nịt xiết cổ lật lên. Nguy hiểm nhất là một đối tượng bẻ lật tay anh, móc khẩu súng K54 ra rồi bỏ chạy. Sơn đang bị thương, máu chảy đầy người nhưng vẫn cố gắng chạy theo mong đoạt lại súng. Cùng đường, đối tượng quay lại chĩa súng nhằm đầu anh bóp cò

Rất may, bản tính cẩn thận, Sơn đã kịp khóa cò súng lại trước đó. Cùng lúc, tổ dân phố chạy đến giúp sức, đối tượng bị quật ngã, sau đó cùng với lực lượng 113, Sơn và đồng đội bắt được các đối tượng đưa về đồn, mang ra xét xử.

Lần khác, khi Sơn đang công tác tại TP Dĩ An, đi truy bắt một sòng bạc. Đối tượng tổ chức tại địa điểm xung quanh toàn là mỏ đá, địa hình hiểm trở, xung quanh là rừng tràm, hố sâu, bơi vào rất khó khăn. Khoảng hai chục chiến sĩ tập kết gần địa điểm, tắt điện thoại, bỏ chìa khóa xe, bò sâu vào bên trong trinh sát. Đang bàn kế hoạch tác chiến thì nghe cách đó khoảng cây số có đến 50 chiếc xe rồ rú lao tới. Tầm 80 người, y như phim Hồng Kông, kẻ thì nẹt pô, kẻ móc mã tấu, kẻ cầm thân cây hùng hổ lao tới hô chém giết.

Tang vật thu được từ vụ án
Tang vật thu được từ vụ án

Tình huống khẩn cấp buộc Sơn phải nổ súng chỉ thiên, trận giãn ra được tầm 5 phút, bắt được mấy đối tượng thì đám đông lại ào vào rượt đuổi. Súng nổ, dao vung, người chạy rầm rập y như chiến tranh. Tình thế hết sức nguy cấp, chênh lệch lực lượng quá lớn, Sơn và các đồng đội phải tùy nghi hành động hết sức linh hoạt, phản ứng nhanh, cũng may không xảy ra thương vong. Sau này mới biết những đối tượng kia đi thanh toán giang hồ, gặp cảnh sát hình sự tưởng là… phe đối thủ nên xông vào đánh.

Sự cố bất ngờ đó được giải quyết xong, Sơn và các chiến sĩ xông vào sòng bạc chỗ mỏ đá theo dõi, mai phục đã lâu thì các con bạc thì… chạy mất, chỉ còn lại đó những chai nước suối, bình ắc quy câu điện, những khoanh nhang muỗi còn đang cháy dang dở. Nói thế để thấy, nghề cảnh sát hình sự không chỉ đối mặt với nguy hiểm chết người mà còn luôn luôn có những tình huống bất ngờ xảy ra, đòi hỏi đầu óc phải linh hoạt ứng biến bất cứ lúc nào.

Trong vòng 2 tháng với tinh thần quyết liệt, Đại úy Võ Văn Sơn cũng liên tiếp triệt xóa các đường dây ma túy lớn của những đối tượng vừa hoạt động lĩnh vực ma túy, vừa hoạt động lĩnh vực hình sự.

Khi được nghe, xem những hình ảnh, clip thực tế trong quá trình đi bắt những vụ như: Bắt 0,5kg ma túy đá ở TP Dĩ An, bắt đối tượng bán 1.000 viên thuốc lắc và trong người thủ sẵn 1 cây súng và đạn để chống trả khi bị bắt ở TX Bến Cát, vụ 1kg ma túy đá ở TP Thuận An… chúng tôi thực sự cảm phục sự quả cảm, gan dạ, nghiệp vụ cao của anh và các đồng đội. Nếu không phải là sự tính toán kỹ, không phải là sự quyết đoán, không phải là sự “cao tay” thì có lẽ những chuyên án đó đã không thành công.

Bài 4: Võ Văn Sơn - chàng Cảnh sát hình sự “lấy cơ quan làm nhà”

Đối với nhiều người, có lẽ sự nguy hiểm đấu trí cũng là chất men xúc tác giúp cảnh sát hình sự yêu nghề hơn. Còn với chúng tôi, khi tiếp xúc với Sơn, với các cảnh sát hình sự khác thì dường như càng đối mặt với nguy hiểm họ càng thấu hiểu tội phạm manh động đến đâu, nguy hại cho xã hội thế nào và họ dù có phải đối mặt với tử thần, cận kề với cái chết thì với nhiệm vụ vinh quang đã chọn, họ sẵn sàng chiến đấu và có thể hi sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Những “điểm tựa” vững chắc

Trở lại câu chuyện cả năm chỉ về nhà một lần, mà anh lại là con trai một trong gia đình, trước thắc mắc của chúng tôi, Sơn cười xòa: “Vì ông ngoại mình, bố mình cũng là công an”. Hóa ra là vậy. Người thân cùng ngành nghề, đó là lợi thế đồng thời cũng giúp Sơn nhận được sự thấu hiểu, thông cảm của những người thân, chuyên tâm nhiều hơn với công việc.

Dù hăng say là thế nhưng khi nói về gia đình, giọng Sơn cũng có chút trầm xuống. Đó là khi anh kể về việc bố mình trước đây hết sức nghiêm khắc, dạy con đối nhân xử thế, dạy con làm nghề việc gì cũng phải nghĩ đến gia đình. Cũng có lúc chưa hài lòng về cậu con trai lúc còn trẻ tuổi chưa nhiều kinh nghiệm, ông cũng có mắng mỏ, uốn nắn. Rồi sau này, khi con trưởng thành hơn, ít về nhà hơn, dù chỉ khi hiếm hoi Sơn tạt qua, người cha bỗng chốc trở nên dịu dàng với tình cảm bao trùm quá lớn lao qua việc rất bình dị là pha cho con cốc nước cam uống cho khỏi mệt. Điều đó làm Sơn cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết nỗi lo lắng, thương yêu của cha dành cho mình.

Hay mỗi lần trở về, anh thấy mẹ cặm cụi lo từng món ăn cho con trai, anh thấy thương thắt lòng, lại thấy mình cần phải làm nhiều hơn nữa, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự hi sinh, thấu hiểu của gia đình dành cho mình.

Cuối buổi trò chuyện chúng tôi mới hỏi được một chút thông tin về tình cảm riêng tư của Sơn. Đó là người bạn gái trẻ tuổi nhưng cũng rất chia sẻ với công việc của người yêu mà chưa tính đến chuyện kết hôn. Bởi Sơn còn vừa đi học vừa phá án, vừa học ngày làm đêm, không lúc nào nguôi cạn nguồn năng lượng và đam mê cháy bỏng với nghề trinh sát hình sự của mình.

Gia đình, người thân chính là những “điểm tựa” yêu thương nhất để những chiến sĩ cảnh sát hình sự như Sơn chuyên tâm với công việc bởi hơn ai hết, những người thân của họ biết rằng, nếu không phải là họ thì không ai khác giữ gìn bình yên, trật tự, an toàn cho tất cả mọi người trong xã hội.

Cũng bởi lí tưởng cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân mà Đại úy Võ Văn Sơn, ngoài việc trinh sát phá án còn luôn luôn tìm cách cảm hóa để các đối tượng quay đầu hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái thiện để chiến thắng cái ác, đó cũng chính là góp phần làm cuộc sống bình yên hơn. Đó là điều mà Sơn và các đồng đội của mình đã, đang và sẽ tiếp tục gìn giữ và cống hiến.

Trần Thanh Hậu
Phiên bản di động