Bài 4: Phát huy vai trò xung kích của cán bộ Đoàn
Bài 3: Giải bài toán của Đoàn trong các khu công nghiệp, chế xuất Bài 2: Chuyện những người “vác tù và hàng tổng” Cán bộ Đoàn thời 4.0 “vững tay chèo” qua cơn sóng cả |
Nhiệt huyết của “thủ lĩnh”
Năm 2018, tổ chức Đoàn Thanh niên được thành lập tại Công ty Cổ phần Dược Phúc Vinh (khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội), anh Nguyễn Quang Hòa được tin tưởng đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn. Vốn đam mê công tác Đoàn ngay từ khi còn là học sinh nên đây là cơ hội để anh tiếp tục theo đuổi đam mê và khẳng định bản thân.
Dù có kinh nghiệm nhưng với đặc thù của doanh nghiệp sản xuất, anh Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai công tác Đoàn như: Kinh phí tổ chức hoạt động Đoàn không có, công nhân làm việc theo ca, các hoạt động phải phụ thuộc hoàn toàn vào chủ doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, giống như nhiều cán bộ Đoàn khác ở các doanh nghiệp, anh Hòa phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Vì thế, nếu không thực sự tâm huyết với công tác Đoàn, anh sẽ rất khó duy trì được hoạt động.
Tổ chức Đoàn đồng hành cùng thanh niên công nhân vượt qua khó khăn |
Anh Hòa tâm sự: “Mọi người vẫn nói cán bộ Đoàn là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ngay cả người thân của mình cũng từng có suy nghĩ đó. Tuy nhiên, khi mình đã có tình yêu, đam mê với công việc thì sẽ dành hết tâm huyết cho nó. Vì thế, không ít cán bộ Đoàn như mình sẵn sàng tự bỏ tiền túi tổ chức các hoạt động”.
Anh Hòa cho biết thêm, các hoạt động của Đoàn tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên công nhân được giao lưu, học hỏi, chia sẻ cùng nhau sau những giờ làm việc vất vả. Được sinh hoạt trong một tổ chức có kỷ luật, thanh niên cũng được rèn luyện, chững chạc, trưởng thành hơn.
Vì thế, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh vẫn duy trì các hoạt động bằng việc kết hợp cùng Công đoàn, vận động tinh thần tình nguyện của đoàn viên, thanh niên. Tuyên nhiên, theo anh Hòa, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, tổ chức Đoàn các cấp cần phải có cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong vấn đề kinh phí đối với tổ chức Đoàn trong các đơn vị đặc thù như doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Sự năng động, nhiệt huyết của cán bộ Đoàn đã tạo được nhiều hoạt động cho thanh niên công nhân |
Đây cũng là trăn trở của anh Nguyễn Văn Chỉnh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty TNHH Điện tử Asti (khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội). Đoàn Thanh niên Công ty Asti thành lập từ năm 2013 và được đánh giá là một trong những đơn vị mạnh của Đoàn Thanh niên Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Theo anh Chỉnh, với nhiệt huyết, đam mê công việc, trước khi nhận được kinh phí từ Đoàn cấp trên, bản thân anh và Ban Chấp hành Đoàn công ty đã chủ động tìm các giải pháp. Trong đó, Đoàn Thanh niên công ty đã phối hợp cùng tổ chức Đoàn ở địa phương thực hiện vệ sinh môi trường, đền ơn đáp nghĩa vào các ngày lễ… tạo môi trường cho thanh niên học hỏi và hướng tới cộng đồng.
Dân vận khéo
Hoạt động Đoàn không chỉ khó khăn ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà khối địa bàn dân cư cũng có những đặc thù riêng, một số chi đoàn chỉ có bộ khung (Bí thư và Phó Bí thư chi đoàn). Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đoàn viên, thanh niên đi làm xa. Đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở luôn biến động, luân chuyển... Ngược lại, thanh niên ở các chung cư, nhà cao tầng... có số lượng lớn nhưng làm thế nào thu hút họ vào tổ chức Đoàn là bài toán khó.
Buổi sinh hoạt chi đoàn của tuổi trẻ phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội |
Với phương châm “Ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức Đoàn” nhiều đơn vị, nhất là đội ngũ Bí thư chi đoàn đã có cách làm sáng tạo, dân vận khéo để thu hút, tập hợp thanh niên.
Phường Đồng Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong đó, tại tổ dân phố 8, 12, 15, 17... ngày càng có nhiều gia đình trẻ đến định cư. Tại đây, mô hình sinh hoạt “khối phố” đã ra đời, là nơi để thanh niên giao lưu học hỏi, không phân biệt người địa phương hay mới nhập cư.
Sinh hoạt chi đoàn của tuổi trẻ phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội |
Theo anh Tạ Duy Cường, Bí thư Đoàn phường Đồng Mai, mô hình phát huy hiệu quả và thu hút nhiều thanh niên tham gia nhờ đội ngũ Bí thư Chi đoàn năng động, sáng tạo. Họ là người tuyên truyền, vận động và thu hút thanh niên đến với hoạt động của Đoàn qua những chia sẻ gần gũi, giới thiệu về những phong tục, tập quán của người dân bản địa... Những hoạt động này giúp các gia đình trẻ từ nơi khác đến dễ dàng thích nghi với môi trường mới.
Trong đó, Đoàn Thị Ngát, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố số 8, phường Đồng Mai là một trong những gương mặt tiêu biểu.
Hoạt động thiết thực sẽ thu hút thanh niên tham gia |
Cô gái trẻ cho biết: “Muốn thu hút thanh niên phải đánh trúng mong muốn, nhu cầu của họ. Vì vậy, chúng mình tạo ra các mô hình như làm đồ handmade, gây quỹ tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Dần dần, các buổi sinh hoạt, sự kiện của Đoàn đã trở thành nơi để mọi người chia sẻ gắn bó với nhau và làm việc tốt cho cộng đồng”.
Hoàng Tuấn, Bí thư Chi đoàn khu dân cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là một trong những cán bộ Đoàn năng động. Hiện Tuấn đã có 4 năm gắn bó với công tác Đoàn ở khu dân cư.
Hoạt động thiết thực sẽ thu hút được thanh niên tham gia |
“Thời gian đầu mình gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động do đặc thù địa bàn có nhiều tòa cao tầng mới. Tại đây chưa thành lập Chi đoàn nhưng có nhiều bạn độ tuổi thanh niên. Để thu hút được họ, mình áp dụng mô hình 1+1 (một đoàn viên thu hút một thanh niên) nên hiện chi đoàn đã có hơn 20 đoàn viên”, Tuấn chia sẻ.
Hệ thống cơ sở Đoàn địa bàn dân cư được ví như chân rết, tạo nền móng vững chắc cho công tác Đoàn. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn ở địa bàn dân cư chưa đồng đều. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn với củng cố tổ chức, bộ máy cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư thì việc lựa chọn, kiện toàn đội ngũ cán bộ chi đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là rất quan trọng.
(Còn nữa)