Bài 3: Giải bài toán của Đoàn trong các khu công nghiệp, chế xuất
Đời sống tinh thần nghèo nàn
Giống như nhiều công nhân khác ngày nghỉ của Nguyễn Thủy (công nhân khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên) là nằm dài xem điện thoại. Xem chán, cô dậy nấu ăn rồi đi ngủ. Thủy cho biết: “Hầu hết công nhân ở xóm trọ mình đều như thế bởi không biết đi đâu chơi, tham gia hoạt động gì. Để cải thiện, thỉnh thoảng cả xóm lại góp tiền liên hoan hoặc rủ nhau đi ngắm quần áo, nếu gặp đồ rẻ đẹp thì mua nhưng cứ lặp đi lặp nhiều lần cũng chán”.
Sống một mình trong căn nhà trọ ẩm mốc, Phạm Văn Nam (công nhân khu công nghiệp Tân Tạo, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ biết cắm cúi vào chiếc điện thoại chơi game. “Không chơi game thì mình chẳng biết làm gì. Xung quanh đây cả ngàn công nhân mà không có một sân bóng hay khu lưu trú văn hóa. Hội thao cho công nhân thì đâu phải ai cũng được tham gia. Nhiều lúc mình mong được hòa mình vào một hoạt động tập thể vui nhộn nào đó như hồi còn học ở trường…”, Nam bỏ lửng câu nói.
Sau những giờ làm việc vất vả nhiều công nhân không biết đi đâu, tham gia hoạt động gì |
May mắn hơn nhiều công nhân khác, anh Nguyễn Văn Phương (quê Nghệ An, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) được ở trong khu kí túc xá. Điều kiện vật chất tuy có tốt hơn nhưng đời sống tinh thần của anh và nhiều công nhân khác trong khu vẫn chưa được cải thiện.
Theo anh Phương quanh khu công nghiệp cũng có nhiều dịch vụ giải trí nhưng hầu hết là các quán karaoke, quán ăn, cà phê. Đồng lương ít ỏi của công nhân không đủ để đến những nơi như thế. Trong khuôn viên kí túc đã có sân chơi nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của thanh niên cũng như con em họ.
“Tôi chỉ mong công ty quan tâm hơn đến các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ để chúng tôi có điều kiện thư giãn sau những giờ lao động vất vả”, anh Phương chia sẻ.
Cũng theo anh Phương việc chăm lo, đồng hành với thanh niên công nhân hết sức cần thiết. Không những thiếu nơi vui chơi giải trí, công nhân còn thiếu thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Tình trạng “già nhân ngãi, non vợ chồng” rồi nạo phá thai diễn ra thường xuyên ở các khu trọ công nhân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có gần 1 triệu công nhân đang làm việc suốt gần chục tiếng đồng hồ mỗi ngày ở các công xưởng, nhà máy. Ở Hà Nội có 9 khu công nghiệp, chế xuất với trên 16 vạn lao động và rất nhiều công nhân ở các tỉnh, thành khác đang rất cần được quan tâm nâng cao cả về đời sống vật chất và tinh thần.
Giải thể thao thanh niên các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tạo điều kiện cho công nhân trẻ được giải trí, giao lưu, học hỏi |
Thực tế đã chứng minh tại các doanh nghiệp có tổ chức Đoàn Thanh niên, đời sống tinh thần của thanh niên công nhân được nâng cao hơn. Đoàn giúp các bạn trẻ được rèn luyện trong môi trường sôi nổi, năng động.
Doanh nghiệp có tổ chức Đoàn Thanh niên là có thêm 1 “cầu nối” giữa công nhân với Đoàn cấp trên, các phòng ban chuyên môn của Đảng ủy, ban quản lý, Công đoàn… Từ đó, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong công tác quản lý được nâng cao.
Mặt khác, mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp với công nhân thêm khăng khít, gắn bó, chất lượng, năng suất lao động tăng lên. Công nhân có ý thức gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn.
Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (thuộc khu công nghiệp, chế xuất) vẫn gặp rất nhiều khó khăn dù được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và tổ chức Đoàn đặc biệt quan tâm.
Nỗ lực vượt khó
Theo chị Ngô Thị Liên, Bí thư Đoàn Thanh niên Các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội, việc thành lập tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên công nhân hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế để thành lập được tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã gặp không ít khó khăn.
Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do đặc thù công nhân làm việc theo ca, chủ doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập các tổ chức đoàn thể… Một số đơn vị thành lập được tổ chức Đoàn nhưng hoạt động mờ nhạt. Họ không thể tự tổ chức các hoạt động mà phải dựa vào Công đoàn. Các hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên chưa đa dạng nên dễ nhầm lẫn với hoạt động của tổ chức Công đoàn…
Chị Ngô Thị Liên, Bí thư Đoàn Thanh niên Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tặng quà đến thanh niên công nhân |
Được sự quan tâm của Trung ương Đoàn, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập được Đoàn Thanh niên các khu công nghiệp và chế xuất tương đương với cấp huyện. Thời gian qua các hoạt động Đoàn ở đây có nhiều khởi sắc. Đó là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ Đoàn.
Từ khi về làm việc tại Đoàn Thanh niên Các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội chị Ngô Thị Liên dành nhiều tâm huyết cho phát triển việc phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Ngoài việc phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể khác để dễ thuyết phục chủ doanh nghiệp hơn, chị còn có những cách làm sáng tạo riêng.
Trong đó, chị chủ động khảo sát, năm bắt thông tin doanh nghiệp từ Ban quản lý các phòng ban chuyên môn. “Việc nắm bắt thông tin doanh nghiệp từ các kênh truyền thông, mạng xã hội cũng rất quan trọng. Từ những thông tin đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp cận doanh nghiệp. Thậm chí, chúng tôi áp dụng biện pháp “Tele sale” - gọi điện thoại để tiếp cận vận động”, chị Ngô Thị Liên chia sẻ.
Sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Đoàn đã động viên công nhân vượt qua khó khăn |
Chị Liên cho biết thêm, chị cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Thành đoàn Hà Nội. Đặc biệt, việc tổ chức được các hoạt động gắn với quyền lợi của công nhân đã giúp tổ chức Đoàn trở nên gần gũi hơn như: Ngày hội đồng hành cùng thanh niên công nhân; “Nụ cười đoàn viên” (nhân dịp Tết Nguyên đán tặng quà, hỗ trợ vé xe cho thanh niên công nhân); “Đoàn Thanh niên Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cùng công nhân chăm con yêu cao lớn”…
Đặc biệt, năm 2020, năm mà cả thế giới gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Các công ty trong khu công nghiệp và chế xuất hơn bao giờ hết cảm nhận sâu sắc khó khăn đó. Nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc luân phiên, có công ty trên bờ vực phá sản… Công nhân vô cùng khó khăn khi thu nhập giảm sâu hoặc nhiều tháng liền không lương…
Chính lúc đó, các chương trình đồng hành, hỗ trợ của Đoàn càng phát huy tác dụng khiến thanh niên công nhân thêm tin tưởng, yên tâm vì họ biết luôn có một người bạn lớn ở bên.
“Thông qua việc chăm lo về đời sống tinh thần, các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội giúp người lao động nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, trách nhiệm và tái tạo sức lao động để làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải chứng minh cho chủ doanh nghiệp thấy được những lợi ích đó để nhận được sự đồng thuận của họ. Chúng ta phải đeo bám, đưa ra các cam kết, thể hiện bằng hành động thiết thực để minh chứng cho doanh nghiệp. Mặt khác, chúng ta cần sự đồng hành, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ đoàn tại cơ sở”, chị Liên chia sẻ.
(Còn nữa)