Bài 2: Chuyện những người “vác tù và hàng tổng”
Bài 1: Đừng đẩy cái bẩn sang người khác Vàng thau lẫn lộn - Bài 1: Điều gì làm nên thương hiệu Pandora Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 10: Coi thường pháp luật và cái giá phải trả |
Cháu đừng gọi con cô… nó còn đi học!
Nhiều thanh niên có thể viện rất nhiều ly do để không tham gia hoạt động đoàn thể. Việc thu hút họ vào tổ chức Đoàn, Hội, phong trào thanh, thiếu nhi là thách thức đối với các “thủ lĩnh” Đoàn. Do vậy, công tác vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn không dễ dàng.
Từ khi học xong lớp 10, Đào Quốc Dũng (sinh năm 2001), trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tham gia phụ trách các em thiếu nhi. Nay Dũng làm Bí thư chi đoàn tổ dân phố số 1 của phường, với mức phụ cấp 250 nghìn đồng/tháng. Trước đây, phụ cấp hằng tháng cho Bí thư chi đoàn ở phường Phú Diễn là 100 nghìn đồng, rồi tăng lên. Số tiền đó không thấm vào đâu nhưng chàng trai trẻ vẫn nhiệt huyết hoạt động vì yêu Đoàn.
Đào Quốc Dũng là "thủ lĩnh" chi đoàn, luôn chuyên cần, tận tuỵ |
Dũng nhận thấy rằng, các đoàn viên, thanh niên trong tổ dân phố thường là học sinh, sinh viên, lao động trẻ. Tại chi đoàn tổ dân phố số 1 có 70% là học sinh, sinh viên và 30% đi làm. Nhiều bạn trẻ tập trung vào việc học, bận với hoạt động ở hội, nhóm khác nên không muốn tham gia hoạt động của Đoàn Thanh niên ở tổ dân phố, dù Bí thư chi đoàn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh cũng không muốn cho con tham gia. Bởi thế, việc vận động đoàn viên, thanh niên càng trở nên khó khăn.
“Mình đã trực tiếp tới nhà các bạn thanh niên để vận động tham gia hoạt động Đoàn. Rất buồn khi mình chưa kịp nói lý lẽ, bố mẹ họ đã bảo rằng “cháu đừng gọi con cô, nó còn đi học”, Đào Quốc Dũng bày tỏ.
Một vấn đề muôn thuở nữa là kinh phí hoạt động. Các kì cuộc như sinh hoạt hè, chi đoàn muốn có kinh phí tổ chức, tạo sân chơi cho thiếu nhi tại tổ dân phố thì phải viết đơn xin cấp kinh phí gửi tổ trưởng tổ dân phố và kêu gọi người dân ủng hộ. Đoàn viên đa phần là học sinh, sinh viên nên việc huy động nguồn lực rất hạn chế. Bản thân Bí thư chi đoàn như Dũng cũng không có khả năng bỏ kinh phí ra thực hiện các hoạt động phong trào.
Nữ Bí thư chi đoàn Nguyễn Minh Anh |
Làm Bí thư chi đoàn tổ dân phố số 3, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội từ năm 2017, Nguyễn Minh Anh (sinh năm 2000) rất trách nhiệm. Theo Minh Anh, nhiều đoàn viên, thanh niên chưa thực sự để tâm đến tổ chức Đoàn, Hội. Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển tạo ra nhiều mối quan tâm, môi trường giải trí cho người trẻ. Điều đó là thách thức đối với tổ chức Đoàn trong việc kêu gọi các bạn trẻ tham gia hoạt động. Tuy nhiên, chính mạng xã hội cũng là kênh thông tin tuyên truyền rất nhanh nhạy cho Đoàn.
Những “hạt nhân” phong trào
Để kêu gọi, tập hợp thanh niên, Nguyễn Minh Anh luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động. Cô thường xuyên duy trì sinh hoạt chi đoàn; Tuyên truyền qua Facebook chi đoàn; Triển khai các hoạt động như: Vệ sinh môi trường; Lồng ghép các trò chơi, phổ biến kiến thức chính trị - xã hội vào các buổi họp mặt chi đoàn; Kết hợp giao lưu với chi đoàn bạn để tạo không khí sôi nổi, tăng cường mối thân tình, tinh thần đoàn kết cho đoàn viên, thanh niên.
Với những nỗ lực của mình, Minh Anh được nhận nhiều giấy khen của tổ chức Đoàn các cấp. Năm 2021, cô gái trẻ được khen thưởng là một trong 15 Bí thư chi đoàn tiêu biểu cụm Đồng bằng sông Hồng.
Các chi đoàn ở ngay Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn gặp rất nhiều khó khăn thì tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa càng khó gấp bội. Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phạm Thị Trang về công tác tại xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 7/2018, chị được bầu làm Bí thư Đoàn xã Bằng An.
Các đoàn viên vun trồng vườn hoa thanh niên |
Từ đầu Tháng Thanh niên năm 2021, chị Trang tất bật chuẩn bị cho nhiều chương trình, hoạt động “đến hẹn lại lên” và đặc biệt là hướng về kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn. Chị cho biết, phát triển đoàn viên ở chi đoàn thôn rất khó, bởi thanh niên là lực lượng lao động chủ yếu trong gia đình nên họ chỉ muốn tập trung làm kinh tế. Nếu có hoạt động phong trào, “cực chẳng đã”, họ cũng chỉ tranh thủ thời gian, không chuyên sâu, không chuyên tâm với Đoàn.
Nói về những người “vác tù và hàng tổng”, chị Phạm Thị Trang bày tỏ: “Bí thư chi đoàn hoạt động trên tinh thần tự nguyện, nếu nghĩ đến tiền phụ cấp thì có lẽ không ai làm. Mặc dù vậy, đội ngũ Bí thư chi đoàn vẫn hoạt động tích cực, đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Họ chính là những “hạt nhân” đưa phong trào Đoàn cơ sở hoạt động tốt hơn”.
Anh Trần Đức Anh, Bí thư Đoàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng từng là Bí thư chi đoàn và thấu hiểu khó khăn trong công tác của chi đoàn ở khu dân cư. Anh nhìn nhận, các bạn trẻ bây giờ ít có sự ràng buộc với chi đoàn nên việc tập trung họ vô cùng khó. Sự phối hợp hoạt động giữa một số Đoàn cơ sở độc lập đóng trên địa bàn với chi đoàn tổ dân phố gần như không có. Kinh phí chi đoàn tự vận động, phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm của cấp ủy chi bộ tổ dân phố hoặc sự hỗ trợ của Đoàn phường.
Dù vậy, đội ngũ cán bộ Đoàn cấp cơ sở, chi đoàn vẫn luôn nỗ lực để duy trì sinh hoạt, phát triển tổ chức. “Mỗi cơ sở có những giải pháp khác nhau tùy theo đặc điểm tình hình, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị. Đoàn phường chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý tưởng sống, kịp thời động viên, khích lệ các bạn trẻ.
Đặc biệt, chúng tôi chú trọng công tác phát triển đảng viên, giới thiệu, đề xuất với cấp ủy bồi dưỡng, xem xét kết nạp đoàn viên ưu tú, tích cực hoạt động Đoàn đứng vào hàng ngũ của Đảng”, anh Trần Đức Anh cho hay.
(Còn nữa)