Bài 3: Để luật pháp được thực thi cần sự chung tay của toàn xã hội
Bài 2: Còn nhiều rào cản khi tính phí rác theo cân Thu phí theo khối lượng: "Cuộc cách mạng" trong xử lý rác thải sinh hoạt |
Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội nói riêng chính là phần lớn các loại rác thải không được phân loại tại nguồn. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây, việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Do đó, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc thu phí rác thải theo khối lượng chính là việc phải làm sao để người dân bắt đầu hiểu, hình thành và tạo được thói quen phân loại rác ngay tại nơi mình sinh hoạt trước khi tính đến việc cân thế nào, ai cân…
Theo TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia độc lập về chất thải rắn, quan trọng nhất là có chính sách, cơ chế khuyến khích phân loại rác cụ thể, rõ ràng để nhận được sự hợp tác từ người dân và từ đó từng bước thực hiện.
Chuyên gia này cho rằng, hiện nay rác thải trộn lẫn đủ thứ, chi phí để xử lý, phân loại, chôn lấp... rất tốn kém. Trong khi đó, nếu phân loại bài bản, những rác thải có thể tái chế, trở thành nguyên liệu sản xuất có thể đem bán cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc bán đồng nát... không những không phải đóng phí xử lý, thu gom mà còn được thêm tiền. Vì thế, nếu có thể áp dụng triệt để việc phân loại tại nguồn, thu phí xử lý rác theo khối lượng, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Cần thúc đẩy và khuyến khích phân loại rác tại nguồn trước khi thực hiện thu phí rác theo khối lượng |
Trước đây, việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được thực hiện ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả do thiếu tính đồng bộ từ khâu thu gom đến xử lý. Phân loại xong nhưng lại thu gom chung một xe hoặc đổ chung một chỗ.
Gợi ý giải pháp về vấn đề này, GS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, cần phải đồng bộ hóa các khâu từ thu gom, vận chuyển đến lựa chọn công nghệ xử lý cho từng loại rác đã được phân loại. Có thực hiện được phân loại rác tại nguồn hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đóng vai trò rất quan trọng.
Ở nhiều nước tiên tiến, việc giáo dục môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn, được đưa vào chương trình giáo dục. Quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như công nghệ xử lý cần được triển khai một cách linh hoạt theo từng địa phương, dựa trên đặc điểm về địa hình, dân cư, sự phát triển kinh tế - xã hội.
Dựa theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến đã thực hiện phương án tính phí rác thải theo khối lượng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, việc tính toán lượng rác thông thường dựa vào thể tích túi bao bì. Người dân sẽ phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc, thể tích khác nhau. Phí thu gom, xử lý rác sẽ được tính toán thông qua giá bán các bao bì này. Còn việc quy định màu sắc, bao nhiêu loại túi, cách tính toán giá thế nào sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, tính giá theo bao bì là cách mà các nước phát triển đã áp dụng rất hiệu quả. Có hai phương thức, người dân mua túi theo từng loại (đơn cử loại 5kg màu đỏ, 10kg màu xanh, 15kg màu vàng), đóng tiền thu gom ngay khi mua hoặc trả sau theo kiểu đựng rác vào đúng loại, người thu gom tính bao nhiêu túi thì nhân tiền lên bấy nhiêu.
Tuy nhiên, phương án này cũng có tính chất áng chừng và có thể thành công ở Việt Nam hay không phần lớn vẫn dựa vào ý thức của người dân. Nhiều người có thể “lách” bằng cách dồn hết rác thải nặng sang túi loại 5 - 10kg, tính tiền cho túi loại nhẹ nhưng thực tế số ki lô gam lại nặng hơn nhiều. Chưa kể không loại trừ trường hợp người dân “trốn” đóng tiền bằng cách mang rác đổ sang nhà hàng xóm hoặc đổ ra công viên, sông, kênh, rạch, càng thêm gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách và hướng dẫn thực hiện
Thu phí rác theo khối lượng, trong điều kiện chưa thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong khi quá trình thu gom xử lý rác còn nhiều bất cập khó khăn, hẳn sẽ là việc phức tạp, cần chuẩn bị nhiều thứ: từ đưa vào văn bản luật, ban hành nghị định, đến việc tổ chức thực hiện sao cho khoa học, để không làm khó người dân, không thiệt cho bên xử lý và ngược lại.
Các chuyên gia cho rằng, để quy định này đi vào thực tiễn, trong thời gian tới cần có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Muốn giảm phát thải rác sinh hoạt, cần có các biện pháp xử phạt nặng nếu không phân loại rác tại nguồn, nên buộc người dân phải thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Khi người dân nhận thức được lợi ích, họ sẽ tự giác có ý thức phân loại rác và nộp tiền.
Về vấn đề thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt lộ trình từ nay đến 2025 là giai đoạn để tuyên truyền, nâng cao giáo dục, nhận thức cho người dân.
Trong giai đoạn đầu thực hiện, cần có kế hoạch cụ thể, xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm, lắp đặt hệ thống hạ tầng camera giám sát một cách bài bản, dần dần hình thành thói quen, đưa việc thu gom rác thải đi vào nền nếp. Dần dần khi nhận thức, hành vi, hành động của người dân thay đổi, luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân.
Để một quy định pháp luật đi vào thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho toàn dân rất cần sự chung tay của mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người |
Vấn đề lúc này là quy định của pháp luật về thu phí rác thải theo khối lượng đến năm 2025 mới có hiệu lực nhưng rất cần một sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp để triển khai. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi luật chính thức áp dụng sẽ có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để luật được thể hiện trong cuộc sống.
PGS. TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, để quy định này có thể đi vào cuộc sống, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể và quan trọng nhất là quá trình thực hiện phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, bịt được các lỗ hổng, tránh tình trạng tuân thủ chưa nghiêm các quy định của pháp luật hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới mất cả chục năm mới áp dụng được phương pháp này cho thấy, ngay lúc này cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, ý thức được việc sẽ đến lúc mình phải trả phí rác thải theo lượng rác mà bản thân mỗi người xả ra.
Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm theo các chế tài đã quy định cũng cần một đội ngũ nhân lực đủ mạnh, chuyên nghiệp. Sự giám sát của tổ chức xã hội, đoàn thể đến các khu dân cư, tổ dân phố, khu chung cư cũng rất quan trọng. Bất cứ người nào vi phạm phân loại rác hoặc xả rác bừa bãi đều bị nhắc nhở phê bình và xử phạt.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, trước khi áp dụng thu phí xử lý chất thải theo khối lượng vào năm 1995, nước này đã có giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu tính khả thi rất kỹ lưỡng. Từ thực tiễn của quốc gia phát triển này, có thể khẳng định, để một quy định pháp luật đi vào thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho toàn dân rất cần sự chung tay của mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người. Trong đó sự chuẩn bị chu đáo và thực thi triệt để của các cơ quan quản lý chính là cốt lõi cho sự thành công này, không để tình trạng luật một nơi mà thực tiễn một nẻo như đã từng xảy ra.