Bài 2: Không thể bất chấp tất cả để thu hút du khách
Bài 1: Khách du lịch, người dân ủng hộ đóng cửa xóm café đường tàu Giới trẻ Hà Thành rủ nhau check in những quán cafe đẹp “lạc lối” mùa Trung thu |
Hoạt động khai thác du lịch một cách tự phát của các hộ kinh doanh tại xóm cafe đường tàu tại khu vực Trần Phú, Phùng Hưng, Điện Biên Phủ trong mấy năm qua đã gây nguy cơ mất an toàn đường sắt. Các chuyên gia cho rằng, việc thành phố Hà Nội kiên quyết đóng cửa xóm café đường tàu là một giải pháp đúng đắn và cần thiết.
Nguyên Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc: Chủ trương đóng cửa là đúng đắn và cần quyết liệt
Nguyên Đại biểu quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc |
“Đúng là xóm cafe đường tàu có những nét độc đáo riêng nhưng nếu chúng ta lại khai thác du lịch kiểu tự phát, vi phạm hành lang đường sắt thì lại tạo ra ảnh hưởng không tốt. Theo tôi, trước mắt, khi không có giải pháp nào khác thì tạm thời đóng là đúng đắn và cần quyết liệt.
Như hiện tại thì chỉ cần một sự kiện mất an toàn là thành chuyện, ảnh hưởng đến ngành du lịch Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. An toàn là cần thiết cho du khách và người dân. Đừng tạo áp lực cho cả người lái tàu khi họ đang vận hành cả một đoàn tàu với bao hành khách như vậy”.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đóng cửa cafe đường tàu vì lợi ích chung của xã hội
Thông tin Hà Nội quyết liệt trong việc dẹp bỏ các quán cafe đường tàu là điều mà chúng ta phải đánh giá cao. Thứ nhất, đó là thực thi pháp luật liên quan đến an toàn giao thông đường sắt. Thứ hai, dẹp bỏ các quán cafe đường tàu nhằm trả lại vẻ đẹp cho đô thị.
Quan trọng hơn cả, việc này góp phần giữ gìn an toàn trật tự chung cho xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thời gian gần đây có khá nhiều vụ việc gây mất an toàn, an ninh trong lĩnh vực văn hóa.
PGS TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) |
Tôi cho rằng, cách làm quyết liệt của Hà Nội đối với cafe đường tàu chứng minh là chúng ta không bất chấp tất cả mọi thứ để tạo ra lợi nhuận; Không thể bất chấp tất cả để thu hút khách bằng những hoạt động kinh doanh mạo hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng con người như vậy.
Hiện nay, bất kỳ hoạt động văn hóa nghệ thuật nào cũng phải tôn trọng một số yêu cầu chung của xã hội, đặc biệt là yêu cầu liên quan đến an toàn, an ninh và cao nhất là tính mạng của con người.
Những hoạt động cafe trên phố đường sắt vừa gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của khách hàng, vừa ảnh hưởng đến an toàn của đoàn tàu. Theo luật pháp, đây đã là câu chuyện phải ngăn cấm kịp thời.
Trả lại sự an toàn cho đường sắt |
Trong thời gian vừa qua, hiện tượng mất an ninh an toàn liên quan đến văn hóa nghệ thuật đang diễn ra khá nghiêm trọng, cụ thể là những vụ cháy liên quan quán karaoke. Điều này khiến chúng ta nghĩ hơn về chuyện tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố an ninh, an toàn.
Chúng ta còn rất nhiều yếu tố khác có thể thu hút du khách, nhiều điểm nhấn văn hóa có thể tạo ra sự hấp dẫn cho Hà Nội. Cafe đường tàu có thể hấp dẫn với một số khách hàng, gây thích thú về những sự mạo hiểm với một số khách hàng, nhưng lại là sự mạo hiểm chung đối với toàn xã hội.
Vì thế, chúng ta cần phải dẹp bỏ những hoạt động như vậy vì lợi ích chung của cộng đồng.
Giới trẻ đồng tình ủng hộ “Theo quan điểm của em việc dẹp cafe đường tàu là chủ trương và hành động hoàn toàn đúng đắn của thành phố. Để nói rằng cafe đường tàu là phát triển du lịch liệu có đang quá là suy nghĩ cá nhân không? Trong khi đó, Hà Nội ngàn năm văn hiến có vô số những nét văn hoá đặc sắc. Không thể vì sở thích cá nhân mà lại bao biện gây nguy hiểm cho người khác. Quan trọng nhất là sự an toàn của người dân và du khách nước ngoài cần được đảm bảo”. (Trần Đức Mạnh, sinh viên Đại học Luật Hà Nội) “Em từng ngồi ở đây cùng với các bạn và check-in, chụp ảnh. Em thừa nhận, nếu để như hiện tại có thể gây mất mỹ quan đô thị và gây ra nhiều hệ lụy không an toàn cho trẻ nhỏ và du khách mỗi khi tàu chạy qua. Do vậy, chủ trương của chính quyền để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn đường sắt là kịp thời và đúng đắn”. (Mai Anh, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính) |